(TSVN) – Nhằm đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, nhiều tỉnh ven biển đã đồng loạt triển khai các giải pháp kiểm soát, giám sát tàu cá và tuyên truyền đến cộng đồng ngư dân, với quyết tâm cao bảo vệ uy tín thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Quảng Trị siết chặt giám sát từ bờ ra biển
Tại Quảng Trị, công tác kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác thủy sản được tổ chức đồng bộ, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và Môi trường, lực lượng biên phòng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và các đơn vị liên quan. Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập để giám sát quá trình tàu cá chuẩn bị xuất bến, hoạt động trên biển và cập cảng, đảm bảo không xảy ra sai phạm về vùng đánh bắt và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về nhật ký khai thác, thu mua và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Đặc biệt, hệ thống giám sát hành trình (VMS) được duy trì hoạt động ổn định với tỷ lệ lắp đặt đạt 98,94%, trong đó thiết bị được niêm phong định kỳ nhằm ngăn chặn hành vi vô hiệu hóa. Dữ liệu khai thác được cập nhật đầy đủ trên hệ thống VNFishbase và việc thu nộp nhật ký khai thác tại cảng được thực hiện đạt 100%.
Ngoài ra, ngành chức năng đã tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các xã ven biển đã góp phần nâng cao nhận thức ngư dân, yêu cầu họ thực hiện thông báo trước khi cập cảng chỉ định, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ và không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Phú Yên tăng cường giám sát bến cá truyền thống
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên cho thấy, có gần 3.000 tàu cá đã được đăng ký, trong đó 681 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS đạt 99,41%, chỉ còn 4 tàu do nằm bờ, hư hỏng chưa lắp đặt. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị xử lý.
Ảnh minh họa
Tỉnh đã đưa vào sử dụng phần mềm e-CDT để kiểm tra tàu cá ra vào cảng, truy xuất sản lượng và nguồn gốc thủy sản. Tuy vậy, một số khó khăn vẫn tồn tại, đặc biệt tại các bến cá truyền thống ở thị xã Sông Cầu và các địa phương ven biển, nơi tàu cá nhỏ dưới 12m thường xuyên neo đậu và bốc dỡ hàng hóa. Tỷ lệ giám sát thực tế tại các bến này vẫn còn thấp, gây khó khăn cho công tác thống kê, quản lý. Nhằm khắc phục tình trạng này, từ tháng 4/2024, các xã Xuân Cảnh và Xuân Hải đã lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động tại bến cá, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Quảng Trị và Phú Yên đều xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần được duy trì thường xuyên, tránh hình thức “ra quân theo đợt”. Tại Phú Yên, chỉ trong thời gian đầu năm 2025, các cơ quan chức năng đã xử phạt 15 trường hợp vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Đồng thời, các tỉnh cũng tập trung rà soát, loại khỏi hệ thống các tàu cá không còn hoạt động khai thác, chuyển sang nuôi trồng hoặc nằm bờ. Những tàu chưa lắp VMS hoặc mất kết nối thường xuyên đều được nhắc nhở, yêu cầu khắc phục để duy trì điều kiện hoạt động hợp pháp.
Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu an toàn và phương tiện kiểm tra, kiểm ngư hiện đại cũng được quan tâm. Đây là yếu tố then chốt để thực thi hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và hoàn thiện hệ thống giám sát chuỗi khai thác, truy xuất nguồn gốc, qua đó tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC, tạo nền tảng phát triển ngành thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường biển.
Minh Hiếu