Rắc rối Ethoxyquin

Chưa có đánh giá về bài viết

Quyết định kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam sau thời gian áp dụng chế độ kiểm tra với tần suất 30% và kiểm tra giám sát đối với Ethoxyquin của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này khó hơn bao giờ hết.

Rối thị trường tôm Nhật Bản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam với tần suất 30% vào cuối tháng 5/2012 của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã làm cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này sụt giảm đáng kể.

Ngày 31/7/2012, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã gửi công hàm đến Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, đề nghị nâng mức kiểm soát giới hạn (MRL) đối với Ethoxyquin trong tôm Việt Nam từ 0,01 ppm lên 1 ppm, tương tự như quy định của Nhật Bản về dư lượng Ethoxyquin cho phép đối với sản phẩm cá. Ngay sau đó, chế độ kiểm tra 30% lô tôm Việt Nam đối với Ethoxyquin đã được cơ quan thẩm quyền Nhật Bản bãi bỏ, thay vào đó là chế độ kiểm tra giám sát với mức MRL không đổi.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đang gặp khó vì Ethoxyquin

Tuy nhiên, ngày 31/8/2012, Nhật Bản đã tăng cường kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, sau khi phát hiện 2 lô tôm Việt Nam có dư lượng Ethoxyquin vượt mức cho phép. Điều này đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất tôm sang Nhật Bản lo ngại và bị động. Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật tháng 8/2012 giảm 16,6% so với tháng 8 năm ngoái.

Theo VASEP, với mức MRL cho phép chỉ 0,01 ppm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật sẽ còn giảm mạnh, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ rào cản Ethoxyquin trong thời gian tới.

 

Cần có quy trình nuôi phù hợp

Ngày 4/9/2012, VASEP đã có Công văn đề xuất hai giải pháp tháo gỡ vấn đề Ethoxyquin. Theo đó, VASEP cho biết, hiện đa số bột cá và bột đạm nhập khẩu từ Peru và Nhật Bản có hàm lượng Ethoxyquin 200 – 600 ppm, trong khi đó lượng dự trữ các nguyên liệu này trong nước còn khá nhiều nên khả năng thức ăn thủy sản có dư lượng Ethoxyquin là rất cao.

 VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT quy định hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản là 0,5 ppm. Bởi, theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp nuôi và chế biến tôm xuất khẩu ở Bến Tre, tôm nuôi không phát hiện dư lượng Ethoxyquin khi cho tôm ăn thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin 0,5 ppm trong 4 ngày cuối cùng trước khi thu hoạch, sau khi ngừng cho tôm ăn 1 ngày.

Tổng cục Thủy sản cũng có ý kiến cần có văn bản quy định thức ăn tôm nên sản xuất theo nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 10 ngày; giai đoạn trước khi thu hoạch tôm nên sản xuất loại thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp.

Tại cuộc họp bàn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 16/9/2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Nhật Bản và một số nước khác quy định hàm lượng Ethoxyquin trong bột cá và thức ăn thủy sản là 100 – 150 ppm nên Việt Nam khó có thể quy định hàm lượng Ethoxyquin là 0,5 ppm. Do đó, giải pháp hiện nay là có văn bản hướng dẫn địa phương khuyến cáo người nuôi tôm về quy trình nuôi và những loại thức ăn thủy sản phù hợp sao cho đến khi thu hoạch không còn dư lượng Ethoxyquin trong tôm nuôi.

>> Tôm của Ấn Độ xuất khẩu sang Nhật Bản cũng vấp phải rào cản Ethoxyquin. Các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ đang yêu cầu Chính phủ nước này có biện pháp giải quyết và cử phái đoàn sang làm việc với Nhật Bản.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!