Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa.
Trái đất nóng lên, biển thêm nhiều dông bão, ngoài bão dông của biển, tàu cá của ta còn chịu thêm nạn tàu lạ tấn công, gần đây nữa cả máy bay lạ quần đảo sát xuống đầu ngư dân.
Bốn mùa biển
Với dân câu ngừ hay còn gọi là câu bò gù ở Phú Yên, biển có 4 mùa: Mùa Tết, mùa biển yên, mùa dông, mùa bão cũng còn gọi là mùa biển đói.
Mùa Tết bắt đầu sau ngày 23-10 âl sau trận bão lũ của “Bà”, kết thúc mùa biển đói, đến hết tháng Giêng. Những chiếc tàu câu gấp gáp lao ra biển. Ba tháng xa biển, anh ngư dân nhớ biển đến cồn cào. Những chiếc tàu câu ra biển giữa những trận gió mùa Đông Bắc, quyết tâm giải quyết ngay cái đói mùa trước để lại, cũng là kiếm thêm chuẩn bị cái Tết cận kề. Những năm gần đây không ít tàu chọn phương án đón Tết trên biển. Ngày xuân, âm dương giao hòa, biển như rộng lượng hơn, sau Tết cá hiếm, thường được giá, mất cái Tết của bố nhưng thêm được manh áo đẹp cho con.
Mùa biển yên, bắt đầu khi hết tháng Giêng đến cuối trận lũ tiểu mãn cuối tháng 4 âl, ba tháng biển yên ả. Biển lặng, nhiều khi đến buồn, cả những chiếc thuyền nhỏ cũng vươn khơi đón chút sóng chút gió, đón luồng cá lớn cho đã một chút. Mùa biển lặng giờ đây cũng không ít hiểm nguy của những giông bão bất thường, bão Chan Chu với những nỗi đau khủng khiếp cho các gia đình ngư dân miền Trung ập xuống trong mùa biển yên năm 2008.
Mùa dông, kết thúc mùa biển yên là đến mùa của những trận dông liên miên trên biển. Những trận dông như sự chuẩn bị, góp gió cho những trận bão tới đây. Mùa dông những trận bão đầu tiên cũng bắt đầu lang thang trên biển.
Tàu câu cá ngừ PY 90479 TS trên ngư trường Trường Sa
Mùa bão, hay còn gọi là mùa biển đói. Mùa biển đói, bắt đầu sau những trận mưa ngâu, cái gia đình chồng biển – vợ bờ “buộc” phải đoàn tụ, để tiêu những đồng tiền ít ỏi dành dụm được trong năm. Nếu một năm biển thất bát, đây cũng là lúc không ít gia đình ngư dân “bốc bạc nóng” để sống.
Ngàn dặm không chỉ là dông, bão
Tháng 6, biển bắt đầu động, mặc nó, sau ngày Tết Đoan ngọ (5-5 âl) bến cá phường 6 TP Tuy Hòa (Phú Yên) quê hương nghề câu cá ngừ đại dương nhộn nhịp khác thường, cả trăm chiếc tàu câu gấp gáp rời bến. Tôi cũng có cái vinh dự được ra khơi trong dòng tàu ấy, trên chiếc tàu PY90479 TS của thuyền trưởng Phan Văn Giành cùng 9 bạn nghề. Chuyến này tàu chúng tôi đi về vùng biển Nam Trường Sa. Mùa này vùng ấy đầy dông và lốc, trong bản tin từ Trung tâm thông tin Duyên Hải dành cho tàu thuyền luôn có đoạn “biển động… trong cơn dông đề phòng…”. Cá ngừ đại dương hình như thích sóng gió lên luôn chọn những vùng biển động. Có lẽ chính sóng gió tạo nên những tố chất đặc biệt cho giống cá ấy để nó trở nên đắt đỏ, thành cái đích cho hàng vạn ngư dân, cho họ sự no ấm cũng như bao nỗi thống khổ.
Trước đây 12 năm tôi cũng đã từng theo chuyến biển đi câu cá ngừ đại dương cùng ngư dân phường 6. Ngày ấy nghề câu ngừ còn mới mẻ, dùng cá chuồn làm mồi, nay phải dùng cá mực tươi làm mồi câu, những con mực nuột nà, nặng trên 100 gam. Mỗi mẻ câu cần đến hơn 100 kg mực tươi làm mồi. Giữa những mẻ câu, trong đêm, ngư dân phải làm thêm cái việc xuống thúng lênh đênh giữa đại dương câu mực. Chuyến đi trước để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp đến lãng mạn về nghề câu cá ngừ. Những kỷ niệm ấy giúp tôi không ngần ngại bước vào chuyến đi này, chuyến đi dài cả tháng với chặng đường đến 2.500 hải lý (hơn 4 ngàn km). Khó ngờ rằng chuyến đi lại quá gian nan và hiểm nguy cùng cái kết không được hậu cho những người bạn đồng hành trên tàu.
Trận dông đầu tiên chúng tôi gặp vào chiều ngày 8-6-2011, ngày thứ hai của chuyến hải hành, từ trận dông đầu tiên ấy, tiếp đến liên miên dông. Những ngày đầu tôi còn ghi chép, sau nhiều quá không buồn ghi nữa, đại thể “cơm ngày hai bữa, dông năm, bảy lần”.
Thật may suốt chuyến đi chúng tôi không gặp “tàu lạ”, thay vào cái may ấy là 2 bận “máy bay lạ” quần thảo, rà sát đầu, một lần ban ngày, một lần khác ban đêm. Biển sinh ra dông gió dìm dập con người, nhưng biển cũng sinh ra cá ông để cứu người. Cái thứ “của lạ” ấy không phải biển sinh ra nên biển cũng chịu, không có được cái tương khắc với nó. Hai lần nghe tin bão, không ngại bởi “còn xa ruột lắm”. Mấy chục trận dông không ngại, chúng tôi biết nó chỉ đủ sức vật chúng tôi chứ chưa đánh gục được, nhưng hai lần bị máy bay quần thì thú thực là… sợ. Trên biển người ta kỵ nhất là nói đến sợ, đó là căn bệnh dễ lây, hai lần ấy chữ sợ buột ra khỏi miệng anh em chúng tôi không chỉ một lần.
Một ngày sau trận gặp máy bay lạ đầu tiên tàu chúng tôi cũng bị hỏng máy lần đầu. Không dễ chịu gì với cái nạn này, cứ 10 vụ tai nạn trên biển của ngư dân thì có đến 8 vụ bắt đầu bằng… máy tàu hỏng. Anh Giành chủ tàu của chúng tôi cũng không giàu, con tàu như con ngựa già của nhà nghèo, cứ kẽo kẹt kéo xe mà không mấy khi được bồi bổ tí thóc, để mòn mỏi dần. Chuyến đi này đến kỳ nó kiệt, sửa xong cái này lại hỏng cái khác, có mẻ lưới phải dừng sửa máy đến 3 lần. Cũng không ngại lắm bởi nếu quá thì gọi nhờ tàu bạn, hay gọi về nhà xin cứu hộ, nhưng rồi đến ngày thứ 23 của hành trình cái bộ đàm cũng hỏng. Bộ đàm hỏng giữa những ngày dài không cá, phí tổn chuyến đi chưa đủ, con tàu ốm vẫn phải vật vã chạy tìm ngư trường bủa câu tiếp.
Rồi chúng tôi vẫn phải về bến vào ngày thứ 29 của chuyến đi dù mới chỉ câu được 27 con cá ngừ. Dầu đã cạn, nước ngọt cũng hết, ngày cuối cả tàu chỉ còn 1 can 20 lít nước cho 11 người. Vượt qua ngưỡng bị lỗ một chút, mỗi bạn thuyền được chia 1.420 ngàn đồng cho 29 ngày dông gió.
>> Một chyến câu cá ngừ hiện nay thường dài 1 tháng, tổng chi 120 triệu đồng: dùng hết 3.500 – 4.000 lít dầu, cần khoảng 2 tấn cá mực làm mồi câu. Bình quân mỗi chuyến câu thu được 1,3 tấn cá ngừ, bạn thuyền được chia khoảng 4 triệu đồng, có chừng 15% chuyến câu bị lỗ. |