Sẵn sàng các phương án ứng phó với siêu bão Noru (cơn bão số 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được nhận định là siêu bão mạnh nhất 20 năm qua, cơn bão số 4 (bão Noru) sắp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Dự báo khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 14…

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Ương (KTTVTƯ), sáng sớm nay (26/9), bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 của năm 2022.

Theo dự báo từ khoảng tối 27/9, cơn bão số 4 (bão Noru) bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 – 149 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo vùng đổ bộ trực tiếp có thể từ Đà Nẵng đến Bình Định. Tuy nhiên vùng ảnh hưởng rất rộng lớn do cơn bão vẫn duy trì sức mạnh khi áp sát bờ biển nước ta.

Dự báo hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Noru). Ảnh: KTTVTU

Trước nguy cơ của bão số 4, cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tại bốn tỉnh gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4 (cấp rủi ro thiên tai rất lớn, chỉ sau cấp thảm họa). Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Phú Yên, Kon Tum cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (cấp rủi ro thiên tai lớn). Các địa phương đang nhanh chóng chuẩn bị các biện pháp ứng phó:

Tại Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo, ven biển, công trình đang thi công.

Theo thống kê toàn tỉnh hiện có tổng số 6.513 phương tiện với 25.240 lao động; trong đó neo đậu tại bến 6.330 phương tiện/24.439 lao động; đang hoạt động trên biển 183 phương tiện/801 lao động. Cụ thể tại vùng biển Thanh Hóa 154 phương tiện/568 lao động; Quảng Ninh 8 phương tiện với 65 lao động; Hải Phòng 47 phương tiện với 363 lao động; Nam Định 9 phương tiện với 65 lao động… Số phương tiện trên đã nắm được thông tin bão số 4 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.

Tại Nghệ An

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Nghệ An, đến cuối ngày 24/9 đã có 2.836 phương tiện tàu thuyền và 12.601 lao động đang neo đậu tại bến. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là 512 phương tiện/3.196 lao động; không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão Noru, và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 08/CĐ-BC yêu cầu quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, tàu du lịch; công trình đang thi công.

Khẩn trương tổ chức chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.

Tại Hà Tĩnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 15 giờ ngày 25/9, đa số các tàu thuyền của ngư dân địa phương đã vào nơi neo đậu để tránh trú bão an toàn. Cụ thể, tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) có 189 tàu thuyền nội tỉnh và 41 tàu thuyền ngoại tỉnh; tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) có 53 tàu thuyền; khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có 125 tàu thuyền.

Tại Quảng Bình

Toàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 6.689 phương tiện với 22.263 lao động đánh bắt thủy sản trên biển. Đến trưa ngày (25/9) đã có 6.409 phương tiện cập bờ tránh, trú bão, còn 280 phương tiện/1.877 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, tại các cảng biển Quảng Bình còn có 56 tàu sông pha biển và tàu vận tải biển với 245 thuyền viên vào tránh, trú bão.

Tại Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện ven biển tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển (Trong đó cần lưu ý hướng dẫn các tàu vận tải, tàu hoạt động vãng lai) thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Yêu cầu các chủ phương tiện phải có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu ở khu vực cửa sông (Cửa Việt, Cửa Tùng) tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. 

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 25/9 và trở lại hoạt động bình thường khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9.

Tại Thừa Thiên – Huế

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu, các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai. Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trước 7 giờ ngày 26/9, tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng hơn 2.000 phương tiện tàu thuyền khai thác đánh bắt thủy hải sản với khoảng hơn 10.000 lao động trực tiếp trên biển, tại vùng đầm phá và 10.000 lao động nội đồng. Ngoài ra, còn có số lượng bán chuyên nghiệp theo thời vụ khác. 

Tại TP Đà Nẵng

Ngay từ sáng sớm ngày 25/9, lực lượng dân quân các phường ven biển của quận Sơn Trà đã khẩn trương giúp đỡ ngư dân đưa ghe, thúng lên bờ, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây, vận chuyển cát lên mái nhà để gia cố, đảm bảo an toàn khi bão vào, nỗ lực hoàn thành công việc trong ngày hôm nay.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng khẩn trương kết nối hệ thống thông tin liên lạc với các tàu đang còn hoạt động đánh bắt trên biển và kịp thời thông báo tình hình, hướng đi của bão, kêu gọi tàu thuyền ngư dân vào bờ tránh trú an toàn. Tổng số phương tiện đã vào bờ neo đậu là 1.147 phương tiện với 7890 lao động. Đến trưa 25/9, còn 83 phương tiện/465 lao động vẫn còn trên biển, đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại cảng, có phương án chằng buộc để tránh chìm tàu trong trường hợp sóng to, gió lớn.

Tại Quảng Nam

Vào 5 giờ sáng ngày 26/9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam có báo cáo nhanh về công tác ứng phó với bão Noru. Tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam có 2.753 tàu và 13.575 lao động. Hiện có 87 tàu với 2.533 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả tàu cá này đều hoạt động xa bờ. Tại khu vực Hoàng Sa có 28 tàu với 290 lao động. Đặc biệt, còn 18 tàu với 213 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm (hiện 18 tàu đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm). Khu vực Trường Sa có 59 tàu với 2.243 lao động, các tàu đã nằm trong vùng an toàn.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ), cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9.

Tại Quảng Ngãi

Tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão. Ảnh: VH

Theo kiểm đếm của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 5.644 phương tiện với 34.467 ngư dân. Đến khoảng 10 giờ ngày 25/9, đã có gần 5.000 tàu với 28.000 ngư dân Quảng Ngãi vào bờ neo đậu. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là 657 tàu với 6.207 ngư dân. Các phương tiện này đã nhận được thông tin cảnh báo của bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại, từ 12 giờ ngày 26/9 cho đến khi có thông báo mới.

Tại huyện đảo Lý Sơn, các lực lượng đang khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè vào nơi neo đậu an toàn, chủ động ứng phó với bão. Từ ngày 25/9 đến sáng 26/9, huyện Lý Sơn huy động các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân đội tập trung giúp dân chằng chống nhà cửa, công trình, trụ sở làm việc, sắp xếp neo đậu hàng trăm tàu thuyền vào nơi trú tránh. Huyện Lý Sơn yêu cầu tất cả chủ lồng bè đưa lồng bè vào nơi an toàn vào sáng nay (26/9).

Tại Bình Định

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền còn hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến phức tạp của bão để chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, để bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền, Ban cũng đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn nghiêm cấm không cho tàu cá xuất bến kể từ 06h ngày 26/9 cho đến khi có bản tin thông báo cuối cùng về bão số 4 (cơn bão Noru) của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định.

Theo báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị, ứng phó với bão gần Biển Đông (bão Noru) của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chiều 25/9, toàn tỉnh có 100 tàu nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận thông báo. Các tàu đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Bình Định liên tục cập nhật số liệu này để thông báo cho ngư dân. UBND các huyện đã thông báo đến các xã, phường và ngư dân có lồng bè nuôi biển biết để ứng phó với bão Noru.

Tại Phú Yên

Theo báo cáo sáng ngày 25/9 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tổng phương tiện nghề cá của tỉnh Phú Yên là 4.107 tàu cá/24.600 lao động. Hiện có 387 tàu cá/2.250 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Hoạt động xa bờ có 294 tàu cá/1.799 lao động, nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Hoạt động gần bờ đi về trong ngày: 93 tàu cá/451 lao động. Số phương tiện còn lại đang neo đậu tại các bến địa phương. Hiện tất cả chủ các phương tiện trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và Bộ đội Biên phòng.

Tổng số ô lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên là: 102.523 ô lồng/2.516 bè/5.605 người. Các địa phương đã tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chằng néo, chống bừa neo, trôi dạt và tổ chức hướng dẫn người dân nuôi lồng, bè thả xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.

Tại Khánh Hòa

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, hồi 5 giờ ngày 25/9 có 729 phương tiện, 4.467 ngư dân của Khánh Hòa đang hoạt động trên biển.

Trong đó, khu vực biển Trường Sa: 70 phương tiện, 742 ngư dân; khu vực biển Khánh Hòa: 541 phương tiện, 2.584 ngư dân; khu vực biển Ninh Thuận: 56 phương tiện 501 ngư dân; khu vực biển Bình Thuận: 34 phương tiện 351 ngư dân; khu vực biển Vũng Tàu đến Kiên Giang: 28 phương tiện, 292 ngư dân. Không có phương tiện nào đang ở trong khu vực nguy hiểm. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão Noru để có kế hoạch chủ động phòng tránh.

Minh Hiếu

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!