Sản xuất giống cá chép lai và rô phi đơn tính

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chép lai và rô phi đơn tính là 2 loại cá đang được nuôi khá phổ biến trong các trang trại nuôi trồng thủy sản của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Cá rô phi đơn tính có ưu điểm nổi trội là phù hợp với đầu tư nuôi thâm canh cao, nhất là trong điều kiện sinh thái bất thuận cũng có thể phát triển được. Còn cá chép lai là đối tượng nuôi truyền thống, có giá trị kinh tế cao, chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên vấn đề nguồn giống của 2 loại cá này để phục vụ nhu cầu cho phát triển thủy sản của các hộ chăn nuôi trong tỉnh vẫn còn hạn hẹp. Vì vậy, việc cung ứng con giống bảo đảm chất lượng và số lượng cung cấp cho các vùng nuôi cá thương phẩm đang là một yêu cầu cấp thiết.

Xuất phát từ thực tế này, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) triển khai mô hình: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá chép lai và rô phi đơn tính nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản” tại HTX thủy sản Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh). Với lợi thế toàn bộ diện tích ao nuôi tại HTX thủy sản Nam Sơn đã được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn của một cơ sở sản xuất giống kỹ thuật cao, nên đáp ứng yêu cầu để sản xuất cá giống thương phẩm như giống cá chép lai và rô phi đơn tính. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật để nuôi cá sinh sản như: bình vây ấp trứng cá chép, hệ thống giàn ấp trứng rô phi khung sắt, khay ấp trứng rô phi, chất liệu gien, máy sục khí, máy bơm… HTX đã nhập giống cá bố, mẹ từ Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản. Đầu tiên tiến hành nuôi vỗ cá bố, mẹ và thực hiện tuyển chọn lại lần cuối trước khi cho cá đẻ theo quy trình. Đối với kỹ thuật sản xuất rô phi đơn tính, cho cá đẻ rồi thu trứng và ấp trứng; xử lý cá đơn tính đực và ương nuôi cá con; cuối cùng tiến hành ương nuôi cá hương và cá giống rô phi trong ao đất và trong giai ở môi trường có nhiệt độ khác nhau, so sánh tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá hương và cá giống. Dùng thuốc nhuộm màu Carmi  acetat để kiểm tra tuyến sinh dục.

Đối với kỹ thuật sản xuất giống cá chép lai, dùng dòng cá chép thuần Hungari và Indonesia lai tạo để sản xuất giống cá chép lai F1. Bước đầu tiến hành nuôi vỗ cá bố, mẹ để cho đẻ chính vụ, nhiệt độ thích hợp cho cá đẻ từ 18- 24 độ C, tránh những ngày gió Bắc. Dùng não thùy các loại cá hoặc thuốc LRH để kích dục cho cá đẻ. Khử dính trứng bằng nước ép quả dừa, sau đó rửa sạch trứng bằng nước lã rồi đưa vào bình vây ấp trứng. Ương nuôi cá bột lên cá hương và theo dõi quá trình sinh trưởng của cá giống.

Thông qua 4 đợt kiểm tra cá giống, kết quả chất lượng giống cá rô phi đơn tính tỷ lệ cá đực đạt tới 97,6%; giống cá chép lai-3 máu, chép lai F1 cho năng suất và chất lượng cao. Trong năm đầu thực hiện dự án đã sản xuất được 5 triệu con cá  rô phi đơn tính và 25 triệu con cá giống chép lai, doanh thu 900 triệu đồng/năm.

Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống cá chép lai và cá rô phi đơn tính bước đầu đã đáp ứng nguồn cá giống bảo đảm chất lượng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản, phục vụ nhu cầu phát triển nuôi cá thương phẩm của nông dân trong tỉnh và các vùng lân cận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cá nuôi. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch những diện tích ruộng trũng canh tác đạt hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Dự án được thực hiện còn trang bị cho các cơ sở quy trình kỹ thuật sản xuất cá giống chất lượng cao, giúp cho các cơ sở từng bước xây dựng thương hiệu về giống cá.

Theo BBN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!