Cá trắm cỏ dễ nuôi, mau lớn. Sản xuất giống cá trắm cỏ chính vụ sẽ giúp người nuôi có đủ nguồn giống.
Cách phân biệt đực cái
Đến mùa sinh sản trên da cá cái trơn nhẵn, cá đực thì thô ráp. Vây ngực cá cái trùm 8 vảy từ gốc vây ngực về phía đuôi, cá đực trùm 9 vảy. Bề rộng của vây ngực cá cái rộng hơn vây cá đực. Vây ngực cá cái màu trắng nhạt, vây ngực cá đực màu hơi phớt hồng. Vây ngực cá cái mềm mại hơn vây ngực cá đực.
Chọn cá bố mẹ
Chọn cá cái
Trong cùng một ao nuôi vỗ nhưng hệ số thành thục của từng cá thể khác nhau, độ lớn nhỏ của bụng cá không quyết định sự thành thục của cá. Khi chọn cá, để ngửa bụng cá ngang sát mặt nước, bụng cá phẳng đều từ ngực xuống hậu môn gần như cùng mặt phẳng với nước. Nếu từ vây bụng trở lên ngực có hiện tượng lồi lõm không đều chứng tỏ nội tạng tích mỡ quá nhiều hoặc ruột chứa nhiều thức ăn.
Sờ da bụng thấy mềm đều từ trên xuống dưới; đồng thời chuyển dịch con cá qua lại hai bên và đưa đầu cá cao khỏi mặt nước, thấy bụng cá có hiện tượng dịch chuyển theo. Sờ vào hai lườn bụng cá thấy xương sườn nhô lên một chút cũng là biểu hiện cá đã thành thục tuyến sinh dục. Quan sát hậu môn cá, thấy hơi hồng và hơi nhăn, cũng là biểu hiện tuyến sinh dục thành thục.
Ngoài việc chọn cá cái theo ngoại hình thì cần phải dùng biện pháp thăm và thử trứng: Dùng que thăm trứng, đưa vào cơ quan sinh dục cá cái với mức độ sâu tùy từng cá thể cá mẹ, xoay que thăm trứng 1 – 2 vòng (3600 – 7200), rút que ra và thu được 30 – 50 quả trứng.
Trứng được lấy ra cho vào bát nước sạch, thấy trứng có màu xanh hoặc vàng, các trứng có hình tròn đều nhau là trứng đã đạt giai đoạn thành thục. Hoặc có thể cho trứng vào dung dịch thử trứng, nếu trứng phân cực rõ rệt, nhân đã ở vị trí 2/10 – 3/10 đường kính của trứng là trứng đã thành thục.
Sản xuất cá trắm cỏ chính vụ sẽ đáp ứng kịp thời mùa vụ nuôi – Ảnh: Huy Hùng
Chọn cá đực
Chọn những con đực không bị bệnh ngoài da, thân hình khỏe mạnh, cân đối, không xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh.
Bắt cá đực để ngửa bụng, dùng 2 ngón tay vuốt nhẹ hai bên từ trên xuống cách hậu môn 5 – 7cm thấy có tinh dịch màu trắng sữa đặc chảy ra, tan nhanh vào nước, đó là cá đực đã thành thục tốt.
Kỹ thuật cho cá đẻ
Tiêm kích dục tố
Kích dụ tố thường dùng hiện nay là Luteotropin Releasing Hormone analog (LRHa) kết hợp Domperidone (DOM). Loại kích dục tố này dễ mua, dễ sử dụng, hiệu quả nhanh.
Liều lượng dùng cho cá cái gấp hai lần cá đực, thường là 7 – 10 µg/kg cho cá cái; 3 – 5 µg/kg cho cá đực. Dùng nước cất hoặc nước muối sinh lý hòa kích dục tố, cứ 1ml dung dịch tiêm cho 1 kg cá bố mẹ là thích hợp. Khi dùng LRHa cần kết hợp với DOM, cứ 10 µg/kg LRHa+3 – 4 µg/kg DOM tiêm cho 1 kg cá cái. Tiêm 1 lần cho cả cá đực và cá cái. Vị trí tiêm là gốc vây ngực, gốc vây lưng, gốc vây bụng, vây hậu môn.
Cho cá đẻ
Cá sau khi được tiêm thì cho vào bể đẻ. Có thể cho cá đẻ trong giai (đặt ngoài ao, sông, suối) hoặc trong bể. Bể cá đẻ được xây dựng từ nhiều chất liệu, hình dạng khác nhau. Diện tích bể đẻ thường 90 – 120 m2, bể hình tròn và hình trứng có khả năng thu trứng nhanh và trứng ít bị vỡ.
Nguồn nước cấp cho bể đẻ đảm bảo chất lượng nước tốt, hàm lượng ôxy hòa tan cao, nguồn nước không bị nhiễm chất độc, kim loại nặng… Sau khi cho cá vào bể 4 – 7 h thì cá đẻ, thu trứng, đếm trứng và đưa trứng vào bể ấp.
Kỹ thuật ấp trứng
Trứng cá trắm cỏ là trứng bán trôi nổi nên có thể ấp bằng giai, bình Weys hoặc bể vòng. Các trại sản xuất giống thường sử dụng bể vòng là chính. Bể vòng thường được xây bằng xi măng, trát nhẵn, thể tích 1 – 12 m3 tùy điều kiện cơ sở. Mật độ trứng đưa vào bể ấp dao động từ 0,8 đến 1,5 triệu trứng/m3.
Khi ấp trứng phải đảm bảo một số yếu tố: lưu tốc dòng chảy 0,5 – 0,8 m/s, nước vào bể ấp phải được lọc kỹ không còn địch hại và tạp chất sẽ nâng cao tỷ lệ nở của trứng cá. Trong quá trình phát triển của phôi cá cần một lượng ôxy hòa tan rất lớn; nếu thiếu ôxy phôi cá không phát triển hoặc bị chết hoàn toàn. Vì vậy, phải đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trung bình 5 – 8 mg/l trong quá trình ấp, đặc biệt ở giai đoạn trước và sau khi trứng nở.
Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến thời gian phát triển của phôi mà còn gây hiện tượng dị hình hoặc làm chết phôi cá. Cần đảm bảo nhiệt độ nước thích hợp 23 – 27oC cho phôi phát triển. Nhiệt độ cũng là yếu tố gây khó khăn cho sản xuất cá trắm cỏ chính vụ tại miền Bắc.
Ánh sáng và màu sắc ánh sáng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phôi cá trắm cỏ. Ánh sáng trắng, hồng nhạt, vàng nhạt tốt cho phôi; ánh sáng xanh lá cây, xanh lam, đỏ ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ nở… Vì vậy, cần điều chỉnh độ sâu nước trong dụng cụ ấp trứng, tránh để nước quá sâu hoặc quá nông.
>> Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) thân thon dài và có dạng hình trụ, bụng tròn, thót lại ở gần đuôi; chiều dài lớn gấp 3,6 – 4,3 lần chiều cao thân và gấp 3,8 – 4,4 lần chiều dài đầu. Cá trắm có thể nuôi ở nhiều thủy vực với nhiều phương pháp: nuôi trong ao đất, nuôi lồng bè. Thức ăn chủ yếu là cỏ, thực vật hoặc thức ăn nhân tạo (thức ăn viên), thức ăn chế biến từ phụ phẩm lò mổ và sản phẩm từ ngũ cốc. |
Đoàn Quân
“Phân bố và sinh thái một số loài cá quan trọng ở hạ lưu sông Mê Kông” Hệ thống sông Mê Kông là nơi cung cấp thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu cư dân và được đánh giá là một trong những khu hệ cá phong phú và đa dạng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện sản lượng cũng như nguồn lợi cá ở hạ lưu sông Mê Kông đang suy giảm mạnh, đặc biệt là các loài cá cỡ lớn do việc khai thác bừa bãi và nguy hiểm. Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã nghiên cứu, biên soạn và cho ra đời cuốn sách trên với hy vọng tạo thêm sự hiểu biết, thúc đẩy việc tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ và quản lý nguồn cá ở sông Mê Kông. Sách của nhóm tác giả A.F.Poulsen, K.G.Hortle, J.Valbo-Jorgensen, S.Chan, C.Kchhuon, S.Viravong, Kbouakhamvongsa, U.Suntomratana, N.Yoorong, Nguyễn Thanh Tùng và Trần Quốc Bảo biên soạn; được dịch bởi Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ân và Lê Thành Bắc. Tuấn Tú |