(TSVN) – Mô hình nuôi trùn quế không chỉ giúp giải quyết dứt điểm “bài toán” ô nhiễm trong chăn nuôi mà còn hiện thực hóa ước mơ làm giàu từ sản phẩm phân hữu cơ trùn quế; chính vì vậy, đã có rất nhiều cách làm sáng tạo từ mô hình sản xuất “vàng đen” trong nông nghiệp, thủy sản này.
Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Hóa học, Trường Đại học Hồng Đức, anh Phạm Văn Tỉnh (SN 1982, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế. Anh Tỉnh chia sẻ, nuôi trùn quế sẽ cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm, từ phân bò sẽ cho ra trùn quế làm thức ăn cho cá, tôm, ngoài ra còn thu hoạch được phân hữu cơ để trồng rau sạch. Đến nay, sản phẩm trùn quế và phân hữu cơ của anh Tỉnh đã được bán trên toàn quốc. Hiện, quy mô trang trại của anh rộng khoảng 5.000 m2, mỗi năm anh sản xuất 2 vụ trùn quế. Theo anh Tỉnh, thị trường của anh là các trang trại chăn nuôi tôm, cá trên địa bàn toàn quốc. Các sản phẩm từ trùn quế ở trang trại anh rất đa dạng, gồm giun tươi, giun khô, phân hữu cơ.
Anh Phạm Văn Tỉnh đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trùn quế
Từ nuôi trùn quế bán thịt và bán sinh khối giống, anh Phan Trọng Hà (sinh năm 1992) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) tiến tới sản xuất viên nén phân trùn quế, giải pháp phù hợp với xu hướng nông nghiệp thân thiện với môi trường… Anh Hà chia sẻ: “Ban đầu, tôi nuôi trùn quế với quy mô nhỏ, chỉ để lấy trùn tươi nuôi gà, vịt và lấy phân bón cho cây cối trong vườn. Khi ấy, theo dõi thông tin qua báo chí, tôi nhận ra xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng chiếm ưu thế. Theo đó, tôi nhận định nhu cầu về phân hữu cơ ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thế nên tôi quyết định đầu tư sâu vào nuôi trùn quế và tiến tới làm viên nén phân trùn quế để cung ứng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.
Để học kỹ thuật nuôi trùn quế, anh Hà ra tận miền Bắc, đến các trang trại nuôi trùn quế lớn ở tỉnh Phú Thọ để tham quan, học hỏi. Ngoài ra, anh còn học thêm qua hướng dẫn của các nhà chuyên môn trên mạng Internet. Sau khi nắm được kỹ thuật nuôi trùn quế, cuối năm 2021, anh quyết định xây dựng trang trại và mua sinh khối giống từ các trang trại nuôi trùn quế ở Phú Thọ về nuôi. “Khí hậu ở Bình Định nắng nóng chiếm phần lớn thời gian trong năm, đây là yếu tố bất lợi của việc nuôi trùn quế so với các tỉnh miền Bắc. Do đó, trên mái tôn chuồng nuôi, tôi phải cho dây leo bò lên phủ dày để ngăn bớt nắng nóng. Mùa nắng gắt, tôi còn bơm nước lên mái tôn để làm dịu bớt cái nóng. Trong chuồng nuôi cũng bơm nước để giữ ẩm. Đáy chuồng nuôi phải tạo sự thông thoáng bằng những lớp cát, lưới để nước tưới giữ ẩm rút được, chứ nuôi trên nền xi măng nước rút không được sẽ làm nhão phân trùn quế”, anh Hà chia sẻ.
Các sản phẩm từ trùn quế rất đa dạng, gồm trùn tươi, trùn khô, phân hữu cơ. Ảnh: BTH
Sinh khối trùn giống anh Hà mua ở những trang trại nuôi trùn quế lớn ở tỉnh Phú Thọ với giá 35.000 đồng/kg. Theo anh Hà, trong sinh khối trùn giống gồm có phân trùn, kén trứng trùn quế, trùn con và trùn trưởng thành. Từ khi thả sinh khối trùn giống vào nuôi, khoảng 1 tháng rưỡi sau là có thể thu hoạch trùn tinh đã trưởng thành bán cho những hộ chăn nuôi gà, vịt. Khi ấy, trong sinh khối trùn giống còn có kén trứng và trùn con tiếp tục trưởng thành, khoảng 1 tháng rưỡi sau lại tiếp tục thu hoạch trùn tinh, cứ thế xoay vòng. Từ khi bỏ sinh khối giống trùn quế vào nuôi, khoảng 4 tháng sau là có thể thu hoạch phân.
Với mong muốn được góp sức với địa phương xây dựng một nền nông nghiệp sạch, tái sử dụng các phụ, phế phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, giúp tạo ra giá trị gia tăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kỹ sư Nguyễn Công Vinh (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) quyết định về quê để khởi nghiệp với nghề nuôi trùn quế. Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu về quy trình nuôi trùn quế tại các nước phát triển như: Mỹ, Israel… anh bỏ công gần một năm đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các trang trại nuôi trùn quế từ Bắc chí Nam. Đầu năm 2017, anh Vinh quyết định đầu tư mô hình nuôi thử nghiệm trùn quế trên phần đất diện tích 330 m2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sau khi sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và sử dụng ngày càng nhiều, anh Vinh quyết định thành lập Công ty CP Trang trại sạch (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) và đầu tư trang trại nuôi, chế biến các sản phẩm từ trùn quế trên phần đất có diện tích 3,5 ha (trong đó đất thuê 2,5 ha). Sau bước thâm nhập thị trường thành công, sản phẩm phân trùn quế của Công ty hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành (từ Đà Nẵng đến Cà Mau và khu vực Tây Nguyên) với trên 2.100 đại lý phân phối. Bên cạnh đó, vùng nuôi cũng được mở rộng ra nhiều địa phương với tổng diện tích nuôi trên 200 ha; trong đó, Công ty ký hợp đồng liên kết với trên 50 doanh nghiệp, trang trại theo hình thức: Công ty cung cấp trùn giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cam kết bao tiêu đầu ra (phân trùn, trùn thịt). Trong các hợp đồng liên kết, kỹ sư Vinh đều hướng dẫn đối tác áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình khép kín như: Trang trại nuôi bò sử dụng phân để nuôi trùn, phân trùn thu hoạch bán cho Công ty, số còn lại dùng bón cây, trồng cỏ để nuôi bò, trùn thịt sử dụng để nuôi thủy sản (cá, lươn, tôm…); trang trại nuôi heo ép phân lấy xác bán cho Công ty, nước phân dùng sản xuất biogas để chạy máy phát điện…
Hồng Hạnh – Đình Thung