Chiều tối hôm đó, cả Lý Sơn (Quảng Ngãi) như không ai muốn ngủ, cứ thao thức, râm ran, ngóng về phía cầu cảng. Chả là tin tàu của ông Lê Túc trúng đậm “vú nàng” (hải sâm) đến vài tỉ đồng đã bay đi khắp đảo. Những ánh mắt tò mò, khâm phục khi mũi tàu từ từ rẽ sóng tiến vào bờ dưới ánh sáng rực của giàn đèn pha cao áp…
Kỳ 1: Ai ra khơi không mang theo lưới…
“Chuyện các ngư dân ở đất đảo này tôm cá đầy khoang sau những chuyến vươn khơi bám biển lâu nay không phải hiếm. Nhưng đó là những ngày họ được tự do đánh bắt, thiên nhiên và con người còn hiền hòa. Thời gian gần đây “bão dông” luôn xuất hiện, khắc nghiệt hơn, ngư dân ra khơi phải đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập. Những tin xấu về tàu bị bắt, bị đuổi, bị tịch thu tài sản, ngư cụ… liên tiếp dội về. Bất an và lo lắng thỉnh thoảng lại bao trùm, vần vũ trên đầu như bầu trời ngày có bão. Vậy nên tin vui trúng đậm bạc tỉ được mọi người mong đợi, chia sẻ cũng là phải thôi” – lão ngư Dương Chính lý giải.
Những phiên biển để đời
17 tuổi, Lê Túc (xã An Hải, Lý Sơn) bắt đầu theo cha ra biển. Trên con tàu QNg 66029, Lê Túc ngang dọc khắp các vùng biển. Bấm đốt ngón tay, ông nhẩm tính tách cha đi làm riêng ngót nghét cũng hơn 20 năm rồi, gần nửa thời gian ấy ở dưới đáy đại dương nhiều hơn là ở trên bờ. “Vùng biển Hoàng Sa hải sâm rất nhiều, nhưng rất khó phát hiện, cả khi tàu có máy dò cũng chịu bởi loài này tinh khôn lắm, dù tàu chạy ngang qua cũng nằm bất động. Hơn nữa loài sản vật này rất nhạy với thời tiết, khi có áp thấp nhiệt đới, bão biển xuất hiện là trốn biệt. Suốt thời gian lặn, lần gặp nhiều cũng chỉ 80-300 con là cao nhất” – ông Lê Túc kể rồi ngước mặt nhìn ra phía biển, trầm ngâm.
Châm thêm điếu thuốc, nhấp chén rượu “vú nàng” mùi ngai ngái, tanh nồng, ông Lê Túc bất ngờ hạ giọng, kể chậm rãi như nhặt hạt khiến câu chuyện kịch tính hơn. Đời thợ lặn gian khó, hiểm nguy không ít, nhưng lặn riết thành quen, rồi lì. Nhưng có những chuyến lặn đáng mặt với bạn tàu, để đời với con cháu về sau.
Tháng 5-2011, tàu của ông Lê Túc đánh bắt tại vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa. Khoảng 8g sáng ông và ông Phan Văn Thành bắt đầu phiên lặn. Lần lặn đầu tiên, ở độ sâu hơn 50m, ông Lê Túc và ông Thành mắt sáng rực khi qua kính lặn thấy hải sâm nằm la liệt. Mừng quýnh, cả hai giật dây lặn hai lần, trên tàu tài công hiểu ý bấm định vị rồi neo thuyền cố định. Sau khi đã nhặt hải sâm đầy túi, ngoi lên mặt nước với nụ cười tươi rói, bạn tàu biết là đã trúng mánh, họ lần lượt xuống “hái” tiền dưới đáy biển.
Bữa cơm trưa trên tàu sơ sài, qua nhanh để tận dụng thời gian. Phạm vi dần được mở rộng, số lượng hải sâm cứ tăng dần lên 800 con. Quá ngỡ ngàng, vui sướng, mừng rơn phấn khởi, anh em tiếp tục thay nhau lặn. Từ sáng chuyển qua đêm mới “vét” hết “mỏ” hải sâm rồi thẳng tiến quay về bờ. 1.450 con hải sâm là con số tròn trĩnh, bạn tàu ai cũng nhìn nhau bằng ánh mắt long lanh, vui sướng. “Hải sâm thời điểm đó giá 1,6 triệu đồng/kg, cân bán thu về hơn 2,2 tỉ đồng. 11 bạn tàu, người được chia từ 100-150 triệu đồng. Về đưa tiền cho vợ, ai cũng cười như pháo” – ông Lê Túc dí dỏm.
Ông Lê Túc với con hải sâm đã giúp ông thành tỉ phú - Ảnh: Trà Giang
Nhưng đó cũng chưa phải là chuyến “khủng” nhất trong quãng đời nghề lặn của ông Lê Túc. Một năm sau cũng vào tháng 5. Sau nửa tháng trời ra khơi nhưng khoang tàu vẫn chỉ vài con ốc, lèo tèo vài con cá thì bất ngờ, ông Lê Túc và bạn tàu lại chạm mặt với hải sâm. Mẻ này đậm hơn, số lượng vượt trội với 1.650 con (hơn 200 con) so với chuyến trước. Tuy nhiên, giá hải sâm lại thấp hơn năm ngoái nên chuyến đó ông và bạn tàu chỉ thu về gần 1 tỉ đồng. Nhưng như vậy đã là quá may mắn so với các bạn tàu trên đảo. Ở thôn Tây ấy, ngoài ông Lê Túc, ngư dân Dương Thanh Tùng cũng là một trong những “sát thủ” hải sâm. Dù chưa có chuyến nào trúng trên 2 tỉ đồng như ông Lê Túc, nhưng mỗi chuyến trúng 300-500 triệu đồng với ông Tùng là chuyện bình thường.
Thợ lặn “ngoi” lên làm giám đốc
Từ thợ lặn chuyên nghiệp, có những ngư dân sau khi đã tích lũy số vốn kha khá liền nhảy qua nhiều nghề khác và đã thành đạt. Ông Lê Hồng Danh, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Danh, kinh doanh vận tải tàu cao tốc tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ, là một trong những giám đốc “ngoi” lên từ thợ lặn.
Nhìn ông Danh không ai ngờ là doanh nhân bởi tướng người to cao, vạm vỡ với nước da màu đồng hun như… ngư dân. Ở Lý Sơn, không ngư dân nào không biết về quá khứ lừng lẫy một thời xông pha lặn ngụp của ông Danh với dấu tích để lại từ biển Phú Quốc (Kiên Giang) đến Cát Bà (Hải Phòng) rồi Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày còn đi lặn, ông Danh không chuyên về hải sâm mà lặn bắt bất cứ thứ gì “hái” ra tiền. Nhưng chính lặn tìm ngọc trai đã đem về cho ông Danh những món tiền lớn. Mỗi chuyến lặn ông thu về từ 5 – 7 lượng vàng, trúng mánh hơn ông đưa tiền cho vợ đi đổi cả chục lượng vàng. 25 năm sống với đáy đại dương, với kinh nghiệm đối đầu và vượt qua những thử thách của bão táp, phong ba khiến ông vững vàng hơn khi bước chân lên bờ, chuyển qua nghề tay trái là kinh doanh vận tải.
Thợ lặn Lê Hồng Danh nay đã thành giám đốc - Ảnh: T.Giang
“Từ đời ông đến đời tôi phần lớn dưới biển. Chẳng lẽ không nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng, kiếm cái nghề trên bờ. Câu hỏi đó cứ bám lấy tôi mỗi chuyến từ biển về nhà” – ông tâm sự. Cơ duyên đến với ông khi dừng tàu lặn ở vùng biển phía Bắc, nhiều lần vào đảo Cát Bà thấy có chiếc tàu cao tốc màu trắng nổi bật bằng chất liệu tốt mà cứ neo miết, nằm ì ở bến không chịu ra khơi. Trong khi đó ở quê ông, những chiếc tàu gỗ nhỏ hơn, mỏng manh trước gió mà vẫn cắt sóng như thường. Lân la dò hỏi mới biết là tàu “treo” vì nợ ngân hàng. Xót của, lại manh nha ý tưởng mới trong đầu, ý định “rinh” chiếc tàu ấy về phục vụ bà con quê hương hải đội Hoàng Sa bắt đầu từ đó. Ngày ấy, từ Quảng Ngãi ra Lý Sơn chỉ có một chiếc tàu cao tốc An Hải của UBND huyện Lý Sơn, hai ngày mới có chuyến ra vào, chở được 150 người. Trong khi người dân, du khách muốn ra thăm đảo Lý Sơn phải chen chân lên tàu chật ních, ngồi tràn ra nóc, mui tàu, phải vật vờ chờ tàu ngay tại cảng. “Nhìn cảnh ấy, dự báo về đi lại sẽ còn tăng nữa, tui về bàn bạc với ba “cổ đông” là anh em trong nhà quyết tâm gom đủ 1,6 tỉ đồng mua chiếc tàu ấy về phục vụ cư dân đảo” – ông Danh kể.
Tàu mua về phải đem đi sửa liên tục vì tàu “dưỡng sức” đã lâu. Mấy trăm triệu nữa đổ vào, lại chưa có kinh nghiệm vận hành, sửa chữa, chưa biết rồi khách đi lại thế nào, nhưng nhóm ông Danh cứ liều. Sau ba lần đưa đi sửa, chiếc tàu An Vĩnh của Công ty Hồng Danh 90 chỗ ngồi hạ thủy chạy ngon lành. Mấy năm qua, cùng với việc thu hồi vốn, ông bắt đầu có lãi. Tiếp bước ông Danh, đất đảo Lý Sơn đã bắt đầu có những ông chủ đi lên từ nghề lặn. Như ông Nguyễn Ngọc Nhiên, đã từng lăn lộn với sóng gió biển khơi hơn 30 năm, bây giờ bỏ biển lên bờ bước chân vào nghề kinh doanh. Ngoài mua bán xăng dầu cho ngư dân ngay tại bờ, ông Nhiên hợp đồng với Công ty TNHH MTV Huy Vũ (Bình Sơn) đầu tư đưa tàu chở dầu có trọng tải 50 tấn (trị giá gần 1 tỉ đồng) vào hoạt động dịch vụ kinh doanh, cung cấp nhiên liệu cho tàu cá đang hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, xa đất liền từ 20-30 hải lý. Theo ông Nhiên, trung bình mỗi ngày tàu của ông cung cấp trên 20.000 lít nhiên liệu, có ngày tiêu thụ đạt trên 40.000 lít, chỉ cần thông qua hệ thống liên lạc thì dù ở đâu, bất cứ lúc nào, tàu ông cũng sẵn sàng đáp ứng.