(Thủy sản Việt Nam) – Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia đang triển khai dự án sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển. Dự án do Trường Đại học Nha Trang chủ trì thực hiện, từ tháng 10/2010 đến cuối năm 2013, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Sơ chế và bảo quản hải sản rất quan trọng, để làm tăng giá trị hải sản, tăng hiệu quả đánh bắt, nâng cao thu nhập cho lao động. Bởi ở đây đang có sự lãng phí rất lớn. Ông Lê Văn Quốc, một chủ tàu đánh cá ở phường Nhơn Hải, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết: “Nhiều chuyến đi biển trúng cá nhưng về đến nơi, chủ yếu bán làm mắm. Cá bán làm mắm chỉ 10.000 đồng/kg, còn nếu cá được sơ chế và bảo quản đúng cách sẽ bán được 20.000 đồng/kg”.
Nam Trung Bộ nổi tiếng có cá ngừ đại dương, giá trị cao, tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng có giá trị cao. Ông Tư Bốn, một chủ vựa mua cá ngừ đại dương ở chợ thủy sản đầu mối Khánh Hòa cho biết, cá được bảo quản tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu giá 140.000 đồng/kg, còn bảo quản không đúng quy cách chỉ có thể tiêu thụ nội địa, giá bằng một phần năm. Nhìn bề ngoài, những con cá ngừ đại dương được đưa về bến giống nhau nhưng bên trong, chất lượng khác nhau do bảo quản. Hàng năm, trong tổng sản lượng cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 2 vạn tấn, nhưng chỉ 40 – 50% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nguyên do, ngư dân vẫn bảo quản bằng phương pháp ướp đá lạnh, cá nhanh bị giảm chất lượng. Thùng đựng đá đã không tốt, cách đưa cá vào ướp cũng theo kinh nghiệm lạc hậu, nên đá nhanh chảy thành nước và cá giảm phẩm cấp. Bảo quản được cá đúng tiêu chuẩn phải có hệ thống tủ lạnh, một hệ thống khoảng 300 triệu đồng và trong hơn 800 tàu khai thác xa bờ ở tỉnh Khánh Hòa, hiện chưa tàu nào có.
Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa Võ Thiên Lăng nêu giải pháp thành lập các tổ đội liên kết đánh bắt trên biển. Trong đó, phân công tàu bám biển đánh bắt, tàu vận chuyển hải sản vào bờ, vừa giảm được chi phí, tăng thời gian đánh bắt vừa kịp thời bán cá cho cơ sở chế biến, hạn chế giảm phẩm cấp. Tuy nhiên, hình thức này đang gặp khó khăn khi biển động, tàu không thể cập mạn để sang cá. “Cần có sự hỗ trợ của các đơn vị thu mua, chế biến đầu tư phương tiện và trang bị hiện đại, đồng thời Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư”, ông Lăng đề nghị.
Trong lúc chưa có được sự đầu tư theo nhu cầu, ngư dân cần được giúp đỡ để biết cách sơ chế và bảo quản hải sản trên biển lại là giải pháp nhanh chóng có hiệu quả. Nên Thạc sỹ Phan Xuân Quang, chủ nhiệm dự án sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển, cho hay, dự án sẽ tập huấn cho các chủ tàu phương pháp sử dụng đá lạnh để sơ chế cá, đảm bảo kéo dài thời gian duy trì chất lượng cao của cá. Khi cá được sơ chế và bảo quản tốt, hiệu quả đánh bắt nâng lên thì chắc chắn, ngư dân càng yên tâm bám biển.
Sáu Nghệ