Sáng 13/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu.
Sau 2 năm triển khai “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN&PTNT đã cụ thể hóa xây dựng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi… Tính đến hết tháng 7 năm nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo định hướng tái cơ cấu, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, đến nay Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu, trong đó có 17 quy hoạch trên cả nước và 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể.
Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi… phát triển các vùng nuôi tôm tập trung sử dụng công nghệ cao, đẩy mạnh khai thác xa bờ, tiếp tục điều tra nguồn lợi hải sản xa bờ, phối hợp thực hiện Nghị định 67, thực hiện các chính sách về giảm tổn thất trong nông nghiệp… Tập trung rà soát đánh giá cơ sở hạ tầng thủy lợi, điều chỉnh quy hoạch phục vụ nuôi thủy sản nước ngọt, lợ tại các vùng trọng điểm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất nhận định, kết quả bước đầu về tái cơ cấu góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh toàn ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân. Ước tính 6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,41% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai tái cơ cấu vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, ngành và chính quyền địa phương thiếu quyết liệt.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi các bộ, ngành thành viên phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nắm bắt những cơ hội và ứng phó với thách thức trong tiến trình hội nhập hiện nay.