Ngày 15/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức buổi gặp mặt với các cơ quan báo chí nhằm sơ kết hoạt động khuyến nông 6 tháng đầu năm 2016. Tiến sĩ Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì.
6 tháng đầu năm, hoạt động khuyến nông triển khai trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại đầu năm ở các tỉnh miền Bắc, hạn hán ở tỉnh miền Trung Tây Nguyên và xâm nhập mặn kéo dài các tỉnh vùng ĐBSCL; dịch bệnh trên thủy sản, vật nuôi… và là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì triển khai 20 dự án khuyến nông, quản lý và chỉ đạo thực hiện 9 dự án do đơn vị ngoài Bộ thực hiện. Qua 6 tháng triển khai, nhiều mô hình, dự án đã trở thành các điểm trình diễn, thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân, như Dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã xây dựng được 5 mô hình, 18 hộ tham gia, quy mô 15 ha tại 5 tỉnh và các dự án chăn nuôi, trồng trọt khác…
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các đơn vị truyền thông, báo chí tập trung thực hiện các nội dung theo chủ trương, định hướng của Bộ NN&PTNT như tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu… Đối với thủy sản là: Tuyên truyền, phổ biến các công nghệ mới khai thác hiệu quả và bền vững. Tuyên truyền quy trình kỹ thuật nuôi tôm, cá tra an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý chất lượng và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản…
Tiến sĩ Phan Huy Thông nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục bám sát và quyết liệt hơn nữa trong việc đưa ra những giải pháp hữu hiệu mang tính thời sự cho người dân. Tạo nên “cánh tay dài” trong việc cập nhật thông tin tuyên truyền hữu ích về mô hình hiệu quả tạo nên những đổi mới cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hình thức truyền thông tương tác, đối thoại, hỏi đáp – tư vấn; lưu ý tới thời điểm hướng dẫn kỹ thuật phải sát với thời vụ sản xuất của từng vùng, miền cụ thể…