Để giải bài toán cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm tại địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động làm việc với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và được chấp thuận dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo gần 95 km đường dây trung thế, 244 km đường dây hạ thế, 216 trạm biến áp với tổng vốn đầu tư dự kiến là 85,5 tỷ đồng.
Hệ thống điện 3 pha hiện có mặt khắp các vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng Ảnh: XT
Tiếp đó, ngành điện tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Thành phần cải tạo, nâng cấp và Phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 3, có tổng vốn đầu tư 187,5 tỷ đồng, để đầu tư cải tạo và xây dựng mới 139,4 km đường dây trung thế, 408,1 km đường dây hạ thế, 338 trạm biến áp có tổng dung lượng 38.185 kVA. Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành vào quý I/2016 đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng diện tích nuôi thủy sản sớm vượt kế hoạch năm, giải quyết cấp điện cho 1.727 hộ nuôi tôm.
Ông Huỳnh Khánh Lượng, Giám đốc HTX Nuôi tôm ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề đã thả nuôi hết 30 ao nuôi tôm, với diện tích gần 12 ha. Mỗi năm, doanh thu trang trại nuôi tôm của ông tăng lên hàng tỷ đồng. “Khi Dự án điện phục vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh hoàn thành đến nay, chi phí nuôi tôm đã giảm rõ rệt, nên lợi nhuận cũng cao hơn trước”, ông Lượng chia sẻ.
Đại diện hộ nuôi tôm tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề cho biết, gia đình ông có 3 ao nuôi với tổng diện tích gần 1 ha, trước đây phải trả khoảng 20 triệu đồng tiền điện/tháng. Được ngành điện hướng dẫn cụ thể cách lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện, gia đình ông đã lựa chọn giải pháp sử dụng dàn quạt nước có trục quay cùng trục với máy phát điện lắp đặt tại 1 ao nuôi và tiết kiệm được khoảng 15% tiền điện/tháng.
Công ty Điện lực Sóc Trăng là đơn vị được Tổng Công ty Điện lực miền Nam EVN SPC chọn thực hiện thí điểm Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 – 2017”. Qua triển khai, giới thiệu mô hình đã có 158 hộ nuôi tôm đăng ký tham gia giai đoạn thí điểm với tổng diện tích là 167 ha, tổng số gối đỡ con lăn là 8.482 bộ (trong đó 5.237 gối loại đỡ và 3.245 loại treo), tổng số dàn quạt là 1.644, ước tính tổng chi phí thực hiện là 714 triệu đồng.
Được hỗ trợ thực hiện giải pháp mới, anh Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa, chia sẻ: “Giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt, qua thử nghiệm cho thấy tiết kiệm điện khoảng 12%; xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ, tiết kiệm điện khoảng 13%”.