T2, 06/07/2020 01:46

Sóc Trăng quản lý chặt chẽ tàu khai thác xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại Cảng cá Trần Đề những ngày này luôn nhộn nhịp vì tàu cá ra vào bến liên tục. Mỗi chuyến biển đầy ắp cá khiến tất thảy ngư dân đều rạng rỡ, át hết những mệt nhọc thời gian bám biển.


Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động chống khai thác IUU

Khai thác đúng quy định

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 1.208 tàu khai thác biển với tổng công suất là 190.479 CV; trong đó, tàu cá khai thác xa bờ 355 chiếc với tổng công suất máy chính 162.604 CV và 853 chiếc khai thác gần bờ với tổng công suất máy chính 27.875 CV, chủ yếu là nghề cào đôi, lưới vây, lưới đèn, câu mực xuất khẩu… Sản lượng khai thác thủy sản trong 6 tháng đầu năm 33.324 tấn, đạt 46,94% kế hoạch và tăng 0,76% so cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, từ đầu năm đến nay, Ban quản lý cảng cùng các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống khai thác IUU. Qua đó, đã kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào Cảng cá 1.188 lượt với đa số chủ tàu đều cung cấp giấy tờ đầy đủ, nhưng việc ghi và nộp sổ nhật ký khai thác còn chậm và việc khai báo, ghi chép vẫn được các chủ tàu thực hiện nhưng thông tin chưa đầy đủ.

Theo ghi nhận, ngoài số tàu đánh xa bờ của tỉnh đang lên hàng còn có khá nhiều tàu đến từ các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và cả một số tàu khu vực miền Trung như: Bình Thuận, Ninh Thuận… Ông Hứa cho biết thêm: “Do Cảng Trần Đề là cảng lớn xếp loại 1A và rất gần với ngư trường đánh bắt của ngư dân ở mùa vụ này, nên một số tàu ngoài tỉnh chọn để lên hàng nhằm tiết giảm thời gian và chi phí. Mặt khác, đội ngũ doanh nghiệp, chủ vựa ở đây cũng khá hùng hậu và làm ăn uy tín nên các chủ tàu rất yên tâm về giá thu mua”.

Còn theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng việc quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu (chống khai thác IUU) theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư 21/2018/BNNPTNT được ngành tích cực triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp chứng nhận thủy sản khai thác những điểm thực hiện mới và cử cán bộ trực văn phòng kiểm soát IUU tại Cảng Trần Đề. Trong 6 tháng đầu năm, ngành đã cấp 131 chứng nhận thủy sản khai thác với tổng khối lượng 1.970 tấn; xây dựng kế hoạch kiểm tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại Cảng cá Trần Đề… Ngoài ra, còn phối hợp với Công ty Viettel thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với 5 tàu cá; thu hồi sửa chữa thiết bị MOVIMAR theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và tiếp tục cập nhật dữ liệu VNFISHBASE.

Chú trọng khâu “hậu cần”

Không chỉ có ngư trường và đội tàu khá lớn, Sóc Trăng còn có lợi thế về dịch vụ hậu cần nghề cá, gồm một cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản xuất khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của đội tàu khai thác trong tỉnh và thu hút thêm nhiều tàu ngoài tỉnh vào cảng, từ năm 2013, bằng nguồn vốn của WB và vốn đối ứng của địa phương, thông qua Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng (CRSD), Cảng cá Trần Đề đã đầu tư nâng cấp một số hạng mục với tổng kinh phí phê duyệt là hơn 52 tỷ đồng. Các hạng mục được đầu tư như: nâng cấp bến tàu 90 CV dài 86 m, xây dựng mới bến 250 CV dài 220 m, xây dựng mới nhà điều hành cảng cá, xây dựng nhà mái che trên bến… với tổng kinh phí phê duyệt là hơn 52 tỷ đồng. Ông Trần Hoàng Dũng,Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Đề cho biết: “Việc đầu tư nâng cấp cảng cá Trần Đề giai đoạn 2 đang được huyện cùng ngành chức năng tập trung thực hiện quyết liệt, cùng với việc tổ chức khai thác và phục vụ tốt các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, để phục vụ đội tàu khai thác biển của địa phương và thu hút tàu các tỉnh khác đến”.

Nhờ có vị trí tốt, nên những năm gần đây, Cảng cá Trần Đề thu hút nhiều tàu đánh bắt của các tỉnh bạn về cập bến. Hàng năm, Cảng cá tiếp nhận từ 90.000 – 100.000 tấn thủy, hải sản, hàng hóa qua cảng, trong đó, có khoảng 60.000 tấn của các tàu thuyền trong tỉnh. Công suất khai thác hiện cũng đã quá tải. Do vậy mà Dự án mở rộng cảng cá Trần Đề giai đoạn 2 thêm 18 ha đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt với các hạng mục đầu tư như: Bến neo đậu cho tàu, mái che cầu tàu, khu tiếp nhận phân loại, bờ kè kết hợp neo đậu tàu, kè bảo vệ bờ, nạo vét khu neo đậu… sẽ giúp cảng cá nâng cao năng lực phục vụ nghề khai thác biển cho đội tàu địa phương và các tỉnh trong khu vực. 

>> Cảng Trần Đề là một trong 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng như: tuyến QL Nam Sông Hậu, QL 60, QL 1A, cùng mạng lưới các tuyến tỉnh lộ đấu nối vào. Những năm gần đây, lượng tàu trong khu vực và Nam Trung bộ vào Cảng ngày càng tăng.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!