(TSVN) – Không chủ quan trước kết quả đã đạt được, Sóc Trăng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh tay để phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC, giữ vững nghề cá bền vững và hội nhập quốc tế.
Siết chặt kiểm soát
Trong nhiều năm qua, Sóc Trăng là một trong những địa phương ven biển chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có khoảng 792 tàu cá, trong đó 341 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên – là nhóm đối tượng cần quản lý chặt chẽ theo các quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU. Tỉnh đã hoàn tất đăng ký, cấp phép khai thác cho 100% tàu cá thuộc diện quản lý, đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và cập nhật dữ liệu lên hệ thống VNFishbase kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia (VNeID).
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng, kiểm ngư và chi cục thủy sản tỉnh, công tác tuyên truyền chống khai thác IUU đã được triển khai bài bản đến tận các cảng cá, tàu cá và ngư dân vùng biển Trần Đề, Vĩnh Châu – nơi tập trung số lượng lớn tàu khai thác xa bờ của tỉnh.
Ảnh minh họa. Ảnh: VOV
Tại Cảng cá Trần Đề, mỗi tháng đều có các buổi phổ biến trực tiếp do lực lượng chuyên trách thực hiện, kết hợp phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhiều tổ tuyên truyền đặc biệt đã được thành lập, đi tận nơi tiếp xúc với các chủ tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, giúp ngư dân “biết để không phạm”, từ đó lan tỏa nhận thức trong cộng đồng ngư dân.
Đáng chú ý, các hình thức chế tài theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng được phổ biến rõ ràng, nhấn mạnh các mức phạt liên quan đến hành vi vượt ranh giới, mất kết nối VMS trên biển… Đây là bước đi cần thiết để ngư dân không chỉ hiểu mà còn sợ vi phạm, từ đó tự điều chỉnh hành vi khai thác đúng luật.
Thành quả bước đầu
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sóc Trăng không ghi nhận tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, cũng không có trường hợp tàu vượt ranh giới vùng biển bị phát hiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vi phạm khác đáng lưu ý. Cụ thể, 15 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên bị mất kết nối VMS trên 6 giờ, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xử phạt; đồng thời đã xử phạt 318 lượt tàu từ 15 đến dưới 24 mét với lỗi tương tự.
Nhận thức được nguy cơ tái vi phạm vẫn còn, ngành chức năng Sóc Trăng tiếp tục rà soát kỹ lưỡng. Tính đến giữa năm 2025, đã xác định được 13 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đó lập danh sách theo dõi và tổ chức tiếp cận chủ tàu để tuyên truyền, vận động ký cam kết không tái phạm.
Song song đó, các kế hoạch hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề cũng đang được nghiên cứu và trình UBND tỉnh ban hành. Những tàu cá không còn đủ điều kiện khai thác sẽ được hỗ trợ chuyển sang nghề phù hợp nhằm duy trì sinh kế cho bà con ngư dân.
Với quyết tâm cao, Sóc Trăng không chỉ đặt mục tiêu chấm dứt triệt để tình trạng khai thác IUU mà còn hướng đến mô hình nghề cá có trách nhiệm, bền vững, hiện đại. Tỉnh xác định công tác tuyên truyền phải song hành với kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và chính quyền địa phương ven biển.
Trên tinh thần đó, các kế hoạch phòng chống khai thác IUU tại Sóc Trăng được xem là mô hình đáng tham khảo cho nhiều địa phương ven biển khác. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” từ EC – một yêu cầu bắt buộc nếu muốn duy trì thị phần xuất khẩu thủy sản sang châu Âu – sự chủ động của Sóc Trăng góp phần tạo thêm niềm tin vào hành trình hướng tới nghề cá văn minh, hội nhập và phát triển bền vững của cả nước.
Minh Hiếu