Sóc Trăng: Thả nuôi được hơn 16.000 ha

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 23/5, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi được hơn 16.000 ha, diện tích tôm nuôi thiệt hại chiếm 1,8% diện tích thả nuôi; ước sản lượng thu hoạch 35.500 tấn.

Hiện đang vào chính vụ thả nuôi tôm 2025, theo tiến độ thì tôm đang được thả nuôi tiếp tục tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Tại huyện Cù Lao Dung, diện tích thả nuôi tôm đạt gần 2.300 ha, diện tích nuôi thiệt hại ước 3%, tôm thiệt hại do các bệnh phân trắng, vi bào tử trùng, gan tụy cấp,… Hộ nuôi tại huyện Cù Lao Dung đã được cấp mã số nuôi chủ lực 695 ha, chiếm tỷ lệ gần 41%.

Trong năm 2025, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch xuống giống 51.000 ha tôm nước lợ. Ảnh: BST

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng, bà Quách Thị Thanh Bình cho biết, thời điểm hiện nay, tôm rất dễ mắc các bệnh như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP,… nên người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố môi trường ao nuôi. Riêng ngành chuyên môn sẽ tăng cường các cuộc hội nghị chuyên đề tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, kịp thời thông tin về môi trường nước, thời tiết và dịch bệnh, nhằm đưa ra các giải pháp khuyến cáo kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi phát triển tốt và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Cùng với đó là triển khai áp dụng mô hình nuôi theo hướng VietGAP, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm ngành hàng tôm của tỉnh.

“Bên cạnh đó, để con tôm nuôi nước lợ có đầu ra tốt, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, thông tin về giá tôm thương phẩm để lập kế hoạch phát triển nuôi tôm và thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm hiệu quả. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hội, hiệp hội chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng các thị trường mới cho sản phẩm tôm. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức sản xuất có kiểm soát theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu các sản phẩm tôm Việt Nam…”, bà Bình chia sẻ thêm.

Ông Lữ Duy Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh Sóc Trăng được xem là ngành mũi nhọn then chốt, đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh. Để góp phần cho mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025 của tỉnh thành công, đơn vị sẽ tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung lịch mùa vụ, thực hiện công tác quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, nhằm đưa ra giải pháp kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi tôm của hộ dân phát triển tốt. 

Trong năm 2025, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch xuống giống 51.000 ha tôm nước lợ, sản lượng ước đạt 223.000 tấn. Trong đó, tôm sú là 12.700 ha (sản lượng ước đạt 24.500 tấn) và tôm thẻ chân trắng khoảng 38.300 ha (sản lượng ước đạt 198.500 tấn).

Tỉnh đang triển khai Đề án Phát triển tôm nước lợ năm 2025, với mục tiêu xây dựng phương án ổn định sản xuất, giữ vững và nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ theo hướng trách nhiệm, tăng năng suất, chất lượng.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!