Mặc dù đã có công bố về môi trường biển 4 tỉnh miền Trung; nhưng hiện đời sống của hàng vạn ngư dân vẫn chưa có sự chuyển biến; đi biển, làm giàu từ biển vẫn là mơ ước của các ngư phủ. Giải pháp nào để ngư dân an tâm bám biển.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)
Sẽ sớm có câu trả lời về cá đã ăn được chưa
Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung, Cục đã lấy trên 430 mẫu hải sản tươi tại các cảng cá, chợ cá với mẫu là tất cả các loại đánh bắt cá tại vùng biển 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) để kiểm tra thì tỷ lệ mẫu kim loại nặng cao; hiện đã giảm nhiều, đến tháng 8, 1/18 mẫu có dư lượng cadimi cao vượt ngưỡng. Đồng thời, có văn bản đề nghị người dân tuyệt đối không sử dụng cá chết làm thực phẩm cho người và thức ăn gia súc. Cá đánh bắt để trong kho lạnh không đưa ra thị trường, nhất là trong thời điểm tháng 4, 5. Về vấn đề người dân quan tâm hiện nay chính là cá đã ăn được chưa thì Bộ Y tế đang giám sát; sẽ sớm công bố, dựa trên những kết quả phân tích từ mẫu hải sản tươi lấy ngẫu nhiên từ vùng viển 4 tỉnh trên. Cùng đó, một hội đồng khoa học đã được thành lập để đánh giá cá đã ăn được hay chưa.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Hướng dẫn ngư dân tiếp tục khai thác
Ngày 24/8, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn khai thác, nuôi trồng thủy sản gửi tới 4 tỉnh miền Trung. Đến thời điểm này, các địa phương tổ chức tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tiếp tục khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển; đồng thời các địa phương tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản sau khi khai thác đưa về các cảng cá. Trong nuôi trồng thủy sản, tiếp tục triển khai bình thường trên các vùng biển của 4 tỉnh. Bộ NN&PTNT đề nghị trong quá trình nuôi trồng thủy sản, các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục quan trắc và thường xuyên cảnh báo về môi trường biển để người dân nắm được. Chất lượng môi trường biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường nên chất lượng thủy sản sẽ tốt. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục kết hợp với Bộ Y tế kiểm tra chất lượng hải sản đang chứa tại các kho ở một số địa phương.
GS-TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngư dân không nên khai thác gần bờ
Trong phạm vi gần bờ thì các hệ sinh thái san hô đang hồi phục, cá đang dần trở về. Khuyến cáo dưới góc độ bảo tồn sinh học thì không nên đánh bắt cá nhỏ vì như vậy sẽ không làm hệ sinh thái hồi phục và cá lớn không về thì cơ hội để đánh bắt cá lớn sau này sẽ nhỏ. Cùng đó, vào thời điểm này, đối với cá lớn trong vùng bị ảnh hưởng là khoảng 15 km trở về bờ thì chưa nói rõ nó tích lũy đến đâu. Trong phạm vi 15 km trở lại mà đánh bắt ở vùng xa hơn vừa có đa dạng sinh học vừa để cho hệ sinh thái biển hồi phục và đồng thời phải chờ kết quả của Bộ Y tế nữa. Thời điểm nào thì sẽ do Bộ Y tế quyết định.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Thủy sản miền Trung đã an toàn hay chưa?
Theo kết luận của các nhà khoa học, tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng có một số thông số môi trường cao hơn so các khu vực khác, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Như vậy, cá biển người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được chưa? Câu hỏi này đã đặt ra rất nhiều lần và đến thời điểm này vẫn chưa trả lời được. Đồng thời, đề nghị các bộ ngành có giải pháp nghiên cứu, giám sát về mặt lâu dài bởi vì chỉ tiêu độc tố môi trường biển còn cao. Cùng đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp kiên quyết quản lý Công ty Formosa trong quá trình hoạt động sắp tới, không để xảy ra sự cố tương tự.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Tiếp tục giám sát hoạt động của Formosa
Kết quả của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra đã phần nào giúp người dân ổn định tâm lý. Hy vọng trong thời gian tới, môi trường biển miền Trung sẽ phục hồi. Mặc khác, đề nghị công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu cho người dân biết; mời tổ chuyên gia về báo cáo với nhân dân Hà Tĩnh; tiếp tục giám sát và có những giải pháp yêu cầu Formosa phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, không để xảy ra thêm sai sót. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế công bố rõ việc an toàn với hải sản, Bộ NN&PTNT trình bày phương án ổn định sản xuất.
>> Trước mắt Bộ NN&PTNT sẽ đồng ý để ngư dân khai thác trên vùng biển bình thường, khuyến cáo ngư dân chưa khai thác ở tầng đáy vì hệ sinh thái biển chưa phục hồi; Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường biện pháp giám sát chất lượng hải sản, lấy mẫu phân loại hải sản an toàn để có hướng tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. |