(TSVN) – Trong Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đến năm 2024, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu không để dịch bệnh trên động vật thủy sản phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản của tỉnh cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Cùng đó, giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường và cảnh báo những ảnh hưởng của bệnh xảy ra đối với các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ Kế hoạch đặt ra là thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, đối với vùng nuôi cá lồng tập trung với thể tích từ 1.000 m3 trở lên; Quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng tập trung cho đối tượng cá tầm, cá trắm cỏ, cá nheo, rô phi, lăng… được nuôi trong lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La; Kiểm tra lấy mẫu các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa trong môi trường nuôi phục vụ công tác cảnh báo dịch bệnh thủy sản: pH, DO, NH3, NO2, COD; Fe…
Mô hình nuôi cá tầm tại hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Báo Thanh niên.
Về kiểm dịch giống, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ không để thủy sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch thủy sản giống, thủy sản bố mẹ với cơ quan thú y không quá 2 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trước khi xuất bán.
Đồng thời, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; vùng nuôi trồng thủy sản theo hình thức công nghiệp; các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 của Bộ NN&PTNT nhằm quản lý chặt chẽ điều kiện nuôi cũng như quá trình sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm… dùng trong thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng yêu cầu chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình cá nhân tham gia ương nuôi, sản xuất giống và nuôi thương phẩm) chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về vệ sinh phòng dịch, thực hiện hồ sơ ghi chép quá trình sản xuất giống, quá trình nuôi; kiểm soát nguồn cá bố mẹ và kiểm soát dịch bệnh trong cơ sở; thực hiện nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, ương nuôi giống; quy trình nuôi thương phẩm; có kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát an toàn dịch bệnh; tuân thủ các quy định của pháp luật về thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học… nằm trong danh mục cho phép lưu hành tại Việt Nam; không giấu dịch, không xả thải xác chết bừa bãi, chôn lấp xác động vật thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y; kịp thời báo cáo cán bộ thú y về tình hình dịch bệnh xảy ra, chủ động các biện pháp ứng phó với bệnh dịch xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra…
Bảo Hân