Sử dụng Ethoxyquin trong ngưỡng an toàn: Khó vẫn phải làm

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hàng loạt sự cố xảy ra với xuất khẩu tôm vào Nhật Bản từ tháng 8/2012, những kiến nghị của VASEP với Bộ NN&PTNT tập trung vào kiểm tra dư lượng Ethoxyquin và tập trung vào đàm phán ngoại giao mạnh mẽ với Chính phủ Nhật Bản.

Khẩn cấp

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, VASEP đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT; trong đó thông báo đến các địa phương, vấn đề sử dụng thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp, để đảm bảo chất này trong ngưỡng an toàn (dưới 150 ppm, ở mức 0,5 ppm) khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra vùng nuôi cơ sơ để đảm bảo hàm lượng trước khi chế biến.

Cũng theo ông Hòe, việc sử dụng chất BHA (Butylated Hydroxyl Anisole)  và BHT (Butylated Hydroxyl Toluence) trong một số mẫu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản có thể là chất thay thế Ethoxyquin với hàm lượng không quá 20 ppm là khó khả thi, vì có thể khiến giá thức ăn nuôi tôm tăng cao hơn nữa. Quan trọng là làm sao các nhà máy chế biến thức ăn hiểu được hàm lượng an toàn trong khi chế biến, để nuôi trồng tránh được rủi ro, đảm bảo trong toàn hệ thống từ người nuôi đến người cung cấp thức ăn trên thị trường. Hiện có một số chất trong một số loại thức ăn chứa hàm lượng Ethoxyquin thấp, đảm bảo trong quá trình ăn đến khi thu hoạch, tôm không bị vượt ngưỡng cho phép. Vì vậy, trong quá trình chế biến xuất khẩu, sản phẩm Ethoxyquin phải có nguồn gốc rõ ràng, người nuôi lưu ý sử dụng chất gì, mức an toàn chế biến là bao nhiêu phần trăm; khi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì nhà nhập khẩu không dám cho nhập.

Trước khi có dịch xảy ra với tôm (tháng 8/2012), VASEP đã có cảnh báo về chất Ethoxyquin và luôn nhắc các doanh nghiệp phải đề phòng vấn đề này. Tuy nhiên, sau ngưỡng thành công khi tỷ lệ kiểm tra tôm xuất khẩu vào Nhật hạ xuống còn 30%, giờ đây các doanh nghiệp Việt Nam lại chạm ngay vào cảnh báo trước đó.

Các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra vùng nuôi cơ sở để đảm bảo hàm lượng Ethoxyquin trước khi chế biến – Ảnh: Nguyễn Long

Hệ lụy từ việc này đã rõ. Nếu không sớm tháo gỡ rào cản Ethoxyquin, xuất khẩu tôm hai tháng tiếp theo sang Nhật sẽ tiếp tục giảm mạnh. Việc sản phẩm tôm khi xuất sang Nhật bị kiểm tra 100% lô hàng sẽ gây khó cho toàn hệ thống. Hàng không xuất khẩu được sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất, từ người chăn nuôi, đơn vị sơ chế bảo quản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và uy tín, tên tuổi của doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Việc kiểm tra tất các sản phẩm tôm xuất khẩu đồng nghĩa với việc thời gian thông quan hàng hóa sẽ chậm lại, chi phí tăng, giá thành tăng, kéo theo giá bán tăng, sức cạnh tranh và lợi nhuận giảm.

 

Khó tìm chất thay thế

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN& PTNT kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết: Tổng cục đang triển khai văn bản của VASEP đến các địa phương, nhằm đảm bảo chất Ethoxyquin trong ngưỡng an toàn. Tổng cục cũng trực tiếp tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất lên Bộ NN&PTNT theo tỷ lệ VASEP đưa ra. Cùng đó, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản sẽ nghiên cứu, sớm đưa ra hoạt chất thay thế tối ưu trong tháng 9/2012. Bộ sẽ hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện; đồng thời quyết liệt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tôm, để không “đánh mất” thị trường quan trọng này.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất và xuất khẩu tôm sang Nhật, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục rà soát lại danh mục sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, công bố danh sách thức ăn nuôi tôm không chứa Ethoxyquin; khuyến cáo người nuôi áp dụng quy trình cho ăn có thể hạn chế tồn dư Ethoxyquin trong tôm nguyên liệu; chỉ đạo đơn vị liên quan lấy mẫu kiểm tra và quy định ngưỡng Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm.

Về việc đàm phán ngoại giao, ông Tám cho biết thêm: Vấn đề đặc biệt khó, những hoạt động của Tổng cục đến nay chưa có kết quả, chưa có kết luận cuối cùng, chúng ta đang hết sức cố gắng đàm phán, theo đúng thông lệ quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa hai nước để xử lý. Thị trường Nhật vốn rất khó tính, các doanh nghiệp trong nước đang chịu sức ép sản xuất từ nền kinh tế đang khó khăn. Việt Nam sẽ tiếp tục cử đoàn công tác cấp cao cùng các doanh nghiệp sang đàm phán với phía Nhật, để nâng mức dư lượng kiểm soát 0,01 ppm như hiện tại. Bên cạnh đó, xử lý trong nước những vấn đề về kiểm soát chất lượng và giao cho các đơn vị phối hợp thực hiện. Giải pháp trước mắt là kiểm soát và minh bạch thông tin đối với nguyên liệu trong nước; bắt buộc ghi nhãn đối với toàn bộ sản phẩm lưu hành tại Việt Nam.

>> Từ đầu năm đến 15/8/2012, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm gần 27%, Mỹ gần 21%, EU 14%… Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!