Sự kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù thuốc kháng sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chống lại nhiều bệnh tật cho con người và các loài động vật thủy sinh, nhưng việc sử dụng bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như gây độc, biến đổi hệ vi khuẩn của người tiêu dùng hoặc làm cho người tiêu dùng cũng bị kháng thuốc.

Ðể đạt được sản lượng và lợi nhuận cao nhất trong nuôi trồng thủy sản, nhiều ngư dân hiện đang áp dụng các phương thức nuôi thâm canh nên vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều dẫn đến dịch bệnh xảy ra tràn lan. Trong số các bệnh của thủy sản thì nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gây ra với những đợt dịch bệnh có quy mô lớn. Thông thường, người nuôi sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh. Do việc sử dụng không đúng cách và quá nhiều các loại thuốc kháng sinh nên gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (antibiotic resistence) và tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt thủy sản. Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc là việc sử dụng các loại kháng sinh với hàm lượng nhỏ trong thức ăn của thủy sản như một chất kích thích sinh trưởng.

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh là khả năng mà một sinh vật có thể chịu được tác động của các loại kháng sinh. Các gen kháng thuốc thường có sẵn trong các loài vi sinh vật tạo ra kháng sinh (antibiotic – producing – bacteria) nhằm bảo vệ chúng khỏi tác động của thuốc kháng sinh này. Những gen này có thể được hình thành trong các loài vi khuẩn khác thông qua sự trao đổi gen với một vi khuẩn tạo ra kháng sinh, do vậy chúng có khả năng tạo ra cơ chế làm trung hòa hoặc phá hủy các loại thuốc kháng sinh.

Một số loài vi sinh vật có sẵn khả năng chịu được một số loại kháng sinh nhất định. Sự kháng thuốc kháng sinh có thể coi là đặc tính vốn có hoặc có thể được hình thành của các vi sinh vật này. Có nhiều cách khác nhau gây ra sự kháng thuốc của vi sinh vật, chẳng hạn như penicillin chỉ tác dụng lên lớp vỏ tế bào nên có thể không có hiệu quả đối với những vi sinh vật không có vỏ tế bào (ví dụ như Mycoplasm không có một lớp vỏ tế bào đặc trưng). Những sinh vật không cho phép một số loại kháng sinh nhất định ngấm vào bên trong, do vậy làm mất tác dụng của kháng sinh đó (ví dụ như một số vi khuẩn Gram âm không cho phép penicillin ngấm vào nên chúng có khả năng kháng penicillin). Một số vi sinh vật có khả năng làm biến đổi thuốc kháng sinh làm cho nó mất hoạt tính (ví dụ vi khuẩn Staphylococcus sinh b-lactum làm gãy vòng b-lactum của hầu hết các penicillin và làm chúng mất hoạt tính). Các vi sinh vật có thể thay đổi cách thức trao đổi chất bị một loại kháng sinh kiềm chế, do vậy chúng có thể kháng lại loại kháng sinh đó. Các vi sinh vật cũng có thể đào thải một loại kháng sinh ra khỏi tế bào, do vậy nó trở nên có khả năng kháng loại kháng sinh đó. Sự kháng thuốc kháng sinh gián tiếp trong vi sinh vật có thể hình thành thông qua các gen nhiễm sắc thể hoặc thông qua các plasmit (cấu trúc tự sao chép mang gen trong tế bào chất).

Sự kháng thuốc hình thành gián tiếp thông qua các gen nhiễm sắc thể (Chromosomal genes). Thông thường, hình thức kháng thuốc là do sự đột biến trong các gen nhiễm sắc thể. Tần số xuất hiện của loại đột biến này là rất thấp (từ 10-5 đến 10-7) và thường xuất hiện khi vi khuẩn chịu một hàm lượng kháng sinh nhỏ hơn mức có thể tiêu diệt được chúng. Hình thức kháng thuốc tương tự có thể xảy ra trong môi trường thủy sinh khi vi khuẩn chịu một lượng kháng sinh nhỏ hơn mức có thể tiêu diệt chúng do việc sử dụng kháng sinh không đúng cách và những kháng sinh bị tan ra từ những thức ăn có trộn thuốc. Dưới những điều kiện trên, sự kháng thuốc được hình thành là do sự thay đổi hoạt tính ban đầu của thuốc hoặc làm giảm sự hình thành các enzyme chủ chốt, do vậy làm giảm tác dụng của thuốc. Sự kháng thuốc kháng sinh được hình thành gián tiếp qua các gen nhiễm sắc thể của vi sinh vật không dễ dàng được di truyền lại.

Sự kháng thuốc hình thành gián tiếp thông qua thể R-plasmit (R-plasmid-mediated-resistance). Plasmit là các vòng ADN ngoài nhiễm sắc thể của vi khuẩn. Các R.plasmit có các gen được mã hóa theo các enzym mới làm mất hoạt tính của thuốc. Các R-Plasmit có thể làm trung gian cho sự kháng một hay nhiều loại thuốc kháng sinh thông qua các gen mã hóa theo cơ chế bất hoạt hóa một hay nhiều loại kháng sinh. Hình thức kháng thuốc gián tiếp thông qua R-plasmit có khả năng di truyền.

(Theo Trung tâm Giống và KTTS Phú Yên)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!