(TSVN) – Sau đại dịch COVID-19, rất nhiều hội chợ triển lãm ngành thủy sản đã quay trở lại “đường đua” với những phiên bản tốt hơn, sáng tạo hơn cùng những vấn đề nóng hổi được đặt lên bàn hội thảo.
Hội chợ Triển lãm Thủy sản toàn cầu 2022 (Seafood Expo Global)
Seafood Expo Global (SEG) lần thứ 28 đã diễn ra thành công tại Fira de Barcelona, Barcelona, Tây Ban Nha từ ngày 26 – 28/4/2022. SEG đã đánh dấu sự trở lại của các sự kiện trực tiếp đối với ngành thủy sản toàn cầu. Hội chợ có sự tham gia của 1.550 công ty trưng bày từ 76 quốc gia khác nhau và ước tính có hơn 26.630 người mua và nhà cung cấp thủy sản từ khắp nơi trên thế giới tham dự sự kiện này. Mặc dù, vắng bóng khách hàng Trung Quốc do các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt của nước này, nhưng người mua và các chuyên gia từ các quốc gia khác đã vượt qua con số của năm 2019. SEG cũng tổ chức các chủ đề hội thảo về thủy sản bền vững và cụ thể là cho NTTS, thức ăn bền vững, biến đổi khí hậu.
Hội nghị và Triển lãm thương mại ngành tôm thế giới (INFOFISH 2022)
INFOFISH lần thứ 6 đã được tổ chức tại Putrajaya, Malaysia từ ngày 8 – 10/6/2022. Sự kiện do Infofish có trụ sở tại Malaysia (www.Infofish.org) tổ chức với 249 người tham gia, cả trực tuyến và trực tiếp, cùng 35 diễn giả và 33 nhà triển lãm từ 33 quốc gia. INFOFISH 2022 được tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Thủy sản của Malaysia, Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở châu Á – Thái Bình Dương (NACA) và Liên minh Chế biến và Tiếp thị Thủy sản của Trung Quốc (CAPPMA). Điều hành hội nghị là ông Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA). Hội nghị đã tập trung vào “Phục hồi thông qua sức bật và đổi mới”, phản ánh những thách thức khó khăn của ngành tôm toàn cầu trong những năm đại dịch (2020 – 2021).
Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 (Seafood Expo Global) tại Tây Ban Nha tháng 4/2022. Ảnh: UCN
TS Audun Lem, Phó Giám đốc Bộ phận Thủy sản của FAO đã thuyết trình về: “Khả năng phục hồi, đổi mới và hồi sinh trong ngành tôm toàn cầu: Điều gì tiếp theo”. Những thách thức lớn là chi phí sản xuất tăng khi giá đậu nành đã tăng 20% và chi phí năng lượng tăng cao. Chi phí vận tải cao tiếp tục là một thực tế đối với các nhà xuất khẩu. Mặc dù, thấp hơn nhiều so với trước đây, nhưng chúng vẫn ở mức cao do lượng hàng hóa còn ít. Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và giá dầu tăng có thể làm tăng chi phí một lần nữa. Hội nghị có các phiên thảo luận về xu hướng sản xuất và thị trường, công nghệ thâm canh nuôi, đổi mới năng suất cao, thức ăn thủy sản và dinh dưỡng, tính bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh về đổi mới thực phẩm xanh
Hội nghị đã diễn ra tại London, Vương quốc Anh từ ngày 14 – 15/6. Đây là sự kiện do World Agri-Tech, Future Food-Tech và Animal Ag-Tech hợp tác tổ chức nhằm thúc đẩy sự đổi mới và đầu tư vào NTTS. GS Manuel Barange, Giám đốc Bộ phận Nghề cá và NTTS của FAO, cho biết: “Nhận ra tiềm năng đầy đủ của nền kinh tế thực phẩm xanh đã thúc đẩy các thảo luận hợp tác và kết nối để tăng tốc các công nghệ trong NTTS bền vững và sức khỏe đại dương. Khi chúng tôi hướng tới một thế giới 10 tỷ người, thức ăn thủy sản đang dần được chú ý. Chuyển đổi ngành thức ăn thủy sản, mở rộng NTTS, nâng cao sản lượng đánh bắt và phát triển chuỗi giá trị thủy sản ngày càng quan trọng để giảm nghèo đói đang gia tăng trên toàn thế giới”.
Hội chợ Triển lãm Công nghệ quốc tế ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2023)
Hòa chung không khí mở cửa trở lại của thế giới, là một trong những hội chợ thủy sản lớn của Việt Nam, VietShrimp 2023 cũng sẽ được tổ chức từ ngày 14 – 16/4/2023 tại TP Cần Thơ. Với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp và các diễn giả hàng đầu, Hội chợ dự kiến sẽ đón khoảng hơn 20.000 lượt khách tham quan. Đây cũng được cho là sân chơi duy nhất trong ngành thủy sản hội tụ đầy đủ cả 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông. Bên cạnh đó, các chủ đề VietShrimp 2023 cũng được lựa chọn kỹ lưỡng để mang đến những giải pháp, cập nhật tình hình, công nghệ mới nhất cho những người hoạt động trong ngành.
Hà My
Tổng hợp