Trước yêu cầu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, Bộ NN&PTNT gửi kiến nghị và Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không quá 83% đến 1/9/2019, thay vì áp dụng từ 1/1/2016.
Xuất khẩu tiếp tục giảm
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2015, cá tra Việt Nam xuất khẩu trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 203 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Tính đến 15/9/2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,078 tỷ USD, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giảm mạnh ở hầu hết các thị trường chính (Mỹ giảm 3%, EU 17%, Brazil 42,9%…).
Theo VASEP, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm là do thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, basa tại thị trường này vẫn ở ngưỡng cao; Còn tại thị trường EU, giá giảm sâu là do sự chủ động nhập khẩu của khách hàng. Đồng EUR mất giá lớn so với đồng USD là một khó khăn đối với các nhà nhập khẩu, dẫn tới tình trạng khách hàng liên tục đòi hạ giá bán.
Cũng theo VASEP, các quy định về đăng ký xuất khẩu, tỷ lệ mạ băng trong Nghị định 36 trở thành “nút thắt” của nhiều khó khăn.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra kêu trước tiên là “thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu”. Quy định trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra Việt Nam với lệ phí 100.000 đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục này gây “mất thời gian và không cần thiết”. Bởi theo nhiều doanh nghiệp, chi phí phải nộp không lớn, nhưng thời gian thực hiện có thể khiến họ mất cơ hội kinh doanh, ngoài ra lại thêm rườm rà, bởi thủ tục này giống như một giấy phép con. Điều quan trọng hơn cả, lợi nhuận của con cá tra đang ngày càng mỏng đi khi chi phí đầu vào tăng và giá xuất khẩu giảm. Việc bãi bỏ các chi phí, thủ tục không cần thiết sẽ giúp cá tra tăng cơ hội xuất khẩu.
Tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm vẫn chưa được áp dụng ngay – Ảnh: Bảo Yến
Cùng đó, theo VASEP, tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm cũng chưa hợp lý. Bởi sản phẩm cá tra fillet đông lạnh có hàm ẩm tối đa không vượt quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% đòi hỏi giá xuất khẩu phải cao, trong khi cá tra Việt Nam chưa làm được. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cá tra theo tiêu chuẩn này tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% thị phần toàn ngành.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nêu ra đã khiến ngành chức năng “nao núng”. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT về sản phẩm cá tra fillet đông lạnh tại 26 doanh nghiệp cho thấy, sản phẩm có hàm ẩm 80% trở xuống chỉ chiếm 3,03%; sản phẩm có hàm ẩm trên 86% chiếm tới 75,32%; sản phẩm có tỷ lệ mạ băng 10% trở xuống chiếm 49,35%; sản phẩm có tỷ lệ mạ băng trên 20% chiếm 16,02%.
Những lý do này đã khiến Bộ NN&PTNT đề xuất thay đổi lộ trình thực hiện, song vẫn áp dụng theo quy định. Cùng đó, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra không phải là điều kiện thông quan và bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra. Tất cả những đề xuất này đã được Chính phủ chấp thuận.
Bao giờ hết khó?
Doanh nghiệp có thể tạm thở phào khi mặc dù chưa thay đổi được quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong Nghị định 36; tuy nhiên, vẫn… còn lâu mới phải áp dụng. Việc lùi thời gian như vậy doanh nghiệp có lợi, nhưng với ngành cá tra Việt Nam thì lại có lý do để tiếp tục lo lắng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm như trong Nghị định 36 là có độ tin cậy, có cơ sở khoa học và thực tiễn, để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và đảm bảo phát triển bền vững sản phẩm cá tra Việt Nam. Do vậy, việc lùi thời gian thực hiện có thể khiến phát sinh những nghi ngại.
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) cho rằng, việc lùi thời gian áp dụng những quy định này có thể làm tụt hậu ngành nuôi cá tra của Việt Nam.
Còn ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khẳng định, Nghị định 36 không chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng mà chủ yếu là tránh sự sụp đổ của thị trường. Việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng có thể đưa ra những tín hiệu không tốt cho các thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, theo ông Phạm Anh Tuấn, chúng ta chỉ chấp nhận sản phẩm cá fillet có chất lượng khác nhau nhưng không chấp nhận làm những sản phẩm quá kém. Hơn nữa, về lâu dài, việc áp dụng những tiêu chuẩn “khắt khe” như vậy sẽ góp phần nâng cao giá trị cá tra Việt Nam, sau thời gian dài buông lỏng. Đây cũng là cơ hội để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trên thế giới với một chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam.
>> Tính đến ngày 3/10, tổng sản lượng cá tra thành phẩm đăng ký xuất khẩu 739.000 tấn (trong đó 77% là sản phẩm cá tra fillet đông lạnh); Trung Quốc và Hồng Kông tiêu thụ nhiều nhất với 122.000 tấn (chiếm 16%). |