(TSVN) – Đối với hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL, ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là những địa phương có lợi thế phát triển nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm; trong đó, Sóc Trăng là một điển hình. Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đã có những chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhân dịp Xuân mới 2021 về thành tựu cũng như những chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất tôm tại địa phương.
Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng trong năm 2020?
Ông Lâm Văn Mẫn: 2020 là năm có rất nhiều yếu tố tác động bất lợi đến nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Đối với NTTS mà chủ yếu là nuôi tôm nước lợ, ngay từ đầu năm đã phải đương đầu với đợt hạn mặn gay gắt và kéo dài, sau đó là dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến giá tôm trong nước giảm liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thả nuôi. Chưa hết, những cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện liên tục vào nửa cuối năm đã làm môi trường nuôi biến động, phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại trên tôm, mà đỉnh điểm là trong tháng 10/2020. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực, sáng tạo của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục có được thành công lớn. Theo đó, dù diện tích thả nuôi chỉ có 51.431 ha, nhưng nhờ có đến 94,3% diện tích nuôi thâm canh, bán thâm và tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi được khống chế ở mức dưới 10% nên sản lượng tôm nuôi cả năm của tỉnh ước đạt gần 188.000 tấn, vượt 12,5% kế hoạch và tăng đến 24,8% so cùng kỳ 2019.
Năm 2020, Sóc Trăng được xem là điểm sáng về xuất khẩu tôm của cả nước khi có mức tăng trưởng rất ngoạn mục với kim ngạch tăng hơn 30%, nhận định của ông về điều này?
Ông Lâm Văn Mẫn: Đối với xuất khẩu tôm của tỉnh năm 2020, có thể nói một cách ngắn gọn là: “thành công ngoài mong đợi”. Sở dĩ tôi đưa ra nhận xét đánh giá như thế là vì xuyên suốt trong năm 2020 có rất nhiều yếu tố bất lợi cho nghề nuôi cũng như xuất khẩu tôm của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Trong số những yếu tố bất lợi thì dịch COVID-19 là có sức tác động mạnh nhất và dai dẳng nhất đối với xuất khẩu tôm. Các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… rơi vào khó khăn do COVID-19, khiến chuỗi cung ứng nuôi tôm bị gãy hoặc gián đoạn.
Trong bối cảnh khó khăn chung đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh đã rất nhạy bén, linh hoạt với biến động thị trường khi nhanh chóng giảm hàng tồn kho và chuyển phần lớn sản phẩm sang kênh tiêu thụ là các siêu thị bán lẻ để tránh tác động từ đại dịch. Những kinh nghiệm, sự nhạy bén của nhà quản lý, nông dân và doanh nghiệp ngành tôm trong xử lý những tình huống khó đã góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2020 ước đạt 823 triệu USD, tăng 24,87% so năm 2019. Còn nói về tương lai, dù không là thủ phủ tôm nhưng Sóc Trăng phấn đấu trở thành trọng điểm về chế biến và xuất khẩu tôm của cả nước.
Mặc dù có rất nhiều trở ngại, nhưng ngành tôm Sóc Trăng vẫn có những cơ hội cho sự phát triển trong năm 2021, thưa ông?
Ông Lâm Văn Mẫn: Tuy dịch COVID-19 vẫn còn có khả năng kéo dài và thời tiết đầu năm không mấy thuận lợi cho việc thả nuôi sớm, nhưng cơ hội cho xuất khẩu tôm của tỉnh trong năm 2021 không phải là không có. Đó là người nuôi đang trong tâm lý khá phấn khởi là giá tôm đang rất cao, dù là do hệ quả cung – cầu cục bộ trong nước sẽ có xu thế thả nuôi sớm để tranh thủ giá còn cao ở đầu vụ; là số lượng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm trong tỉnh vốn đã mạnh sẽ còn tiếp tục được bổ sung năm 2021; là uy tín thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang rất tốt trên thị trường thế giới…
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường, ngành tôm phải có sự thích ứng và thuận thiên. Phải làm sao thay đổi được tư duy sản xuất của người nuôi tôm để hướng họ đến những mô hình nuôi hiệu quả hơn, môi trường nuôi được tốt hơn. Do đó, ngành nông nghiệp phải chủ động phối hợp cùng các địa phương để có sự phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh. Phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nuôi và chế biến…
Đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh hiện tại phần lớn là những đơn vị lớn và có bề dày kinh nghiệm, trình độ chế biến sâu và uy tín trên thị trường. Trong năm 2021 dự kiến sẽ có thêm một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên không chỉ có nhu cầu về tôm nguyên liệu mà nhu cầu về tuyển dụng, đào tạo lao động có tay nghề cũng sẽ tăng. Do đó, bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng thị trường xuất khẩu, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tuyển dụng lao động, an ninh trật tự…
Dự báo, nhu cầu tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp tại Sóc Trăng năm 2021 sẽ vào khoảng 200.000 tấn. Vậy theo ông, ngành tôm phải có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu này?
Ông Lâm Văn Mẫn: Theo kế hoạch, năm 2021 toàn tỉnh phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ đạt 51.000 ha trở lên; trong đó, tôm sú là 16.000 ha và TTCT là 35.000 ha. Sản lượng tôm cả năm là 172.000 tấn; trong đó, tôm sú là 24.000 tấn và TTCT là 148.000 tấn. Tuy nhiên, nếu điều kiện nuôi và tình hình giá tiêu thụ tôm thuận lợi, tôi nghĩ diện tích, sản lượng tôm của tỉnh trong năm 2021 không chỉ dừng lại ở con số kế hoạch trên, mà có thể tăng hơn rất nhiều, nhất là xu hướng chuyển sang nuôi TTCT lót bạt ao tròn nổi theo mô hình 2 – 3 giai đoạn cho năng suất rất cao đang ngày càng tăng. Tất nhiên sẽ còn một lượng tôm nhất định được các doanh nghiệp điều tiết từ các tỉnh khác về để phục vụ cho nhu cầu chế biến của họ.
Tuy nhiên, để đảm bảo thắng lợi vụ tôm năm 2021, ngành nông nghiệp cần tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch vụ nuôi với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục và đổi mới công tác tuyên truyền một cách hiệu quả nhất cả về nội dung lẫn hình thức; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó chú trọng khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi mới có hiệu quả; tăng cường quản lý vật tư đầu vào bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và sản xuất đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường; quan tâm chú trọng công tác quan trắc môi trường, dịch bệnh để có khuyến cáo và giải pháp phòng trị kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Ông Lâm Văn Mẫn: Năm 2021 cần phải kéo dài được chuỗi thành công của nghề nuôi mà tỉnh đã đạt được trong những năm gần đây theo hướng hiệu quả và bền vững nhất. Muốn làm được điều này, người nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ và từng bước chuyển dần sang nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, giảm rủi ro và xây dựng liên kết, tạo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững, tiến tới không còn hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún.
Xuân Trường
(Thực hiện)