Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều doanh nghiệp lớn và chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu cá tra chưa thoát khỏi bế tắc về vốn, rào cản thị trường… nhưng đây chính là cơ hội để ngành tái cơ cấu, từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu.

Phát triển không bền vững

Đến nay, sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL đã trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chỉ đứng sau con tôm. Qua 12 năm (2000 – 2012), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200 lên 5.600 ha; sản lượng từ 37.500 lên 1,3 triệu tấn; và giá trị xuất khẩu từ 40 triệu USD lên 1,74 tỷ USD.

Theo ThS. Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long: Sự phát triển nhảy vọt của ngành hàng cá tra là do hội tụ nhiều yếu tố, từ các lợi thế của điều kiện tự nhiên đối với nghề nuôi thủy sản ở ĐBSCL đến sự sáng tạo và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi; sự năng động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tiếp cận và đa dạng hóa thị trường; sự hỗ trợ của một số chính sách của Nhà nước, địa phương và cơ quan quản lý ngành…

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tuy nhiên, thực tế hơn 10 năm qua cũng cho thấy, ngành cá tra vẫn còn nhiều bất cập từ khâu nuôi trồng trong nước cho đến xuất khẩu. Người nuôi luôn phải đối diện với nguy cơ “treo ao” vì giá thấp, đầu ra bấp bênh. Doanh nghiệp xuất khẩu thì lao đao vì thiếu vốn, nguyên liệu, rào cản từ các thị trường… Vì thế, không ít chuyên gia và doanh nghiệp cùng cho rằng, ngành cá tra nên thực hiện tái cơ cấu.

 

Cần tái cấu trúc

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nguyên nhân của khó khăn ngành cá tra nằm ở hai mấu chốt. Thứ nhất là sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như chế biến. Thứ hai là sự thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng và quan hệ lỏng lẻo của quy trình sản xuất – chế biến và tiêu thụ. Vì vậy, tái cơ cấu ngành cá tra trước hết cần thực hiện nghiêm quy hoạch cả về diện tích và sản lượng. Đồng thời cần xác định rõ, lấy hiệu quả kinh tế đạt được là chính chứ không phải lấy số chỉ tiêu “sản lượng năm sau cao hơn năm trước”. Không thể cứ mãi tăng về lượng mà cần chú trọng đến giá trị. Bên cạnh đó, cũng cần áp giá sàn để nâng giá xuất khẩu cá tra nhằm giảm bớt những hậu quả của việc cạnh tranh về giá gây ra. Tuy nhiên nếu chỉ VASEP vào cuộc thì sẽ không thể thực thi được giá sàn, vì VASEP không có quyền cấm doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng nếu Bộ NN&PTNT có công văn phối hợp với hải quan, yêu cầu không thông quan những đơn hàng xuất khẩu cá tra dưới giá sàn, thì chắc chắn giá sàn xuất khẩu sẽ có hiệu lực.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP: Đây là lúc phải xiết chặt việc quản lý từ vùng nuôi đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Nghề nuôi cá tra phải cơ cấu lại thành nghề có điều kiện. Người nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch, am hiểu kỹ thuật, gắn kết với nhà máy chế biến… Các nhà máy chế biến, xuất khẩu cần phải có vùng nguyên liệu riêng và sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Hai điều này phát triển song song sẽ giải quyết tốt mối quan hệ lỏng lẻo giữa người nuôi và doanh nghiệp, chấm dứt tình trạnh thừa – thiếu nguyên liệu như trước đây. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên tái cấu trúc lại phương thức nuôi và tham dự vào việc nuôi trồng theo các tiêu chuẩn quốc tế như ASC để được xác nhận có vùng nuôi trách nhiệm với môi trường, xã hội, kiểm soát được chất thải, nguồn nước…

>> Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I/2013 đạt 393 triệu USD, giảm 7,6% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3/2013, giảm hơn 13%, chỉ đạt 140 triệu USD.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!