Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu khá cao cho ngành nông nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngành đang đưa nhiều giải pháp tạo đà tăng trưởng.
Năm 2018, GDP nông, lâm, thủy sản tăng 3,76%
Trên đà thắng lợi
Năm 2018, GDP nông, lâm, thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất tăng 3,86%; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 19,51 tỷ USD, tăng 1,4%; thủy sản ước 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước 9,34 tỷ USD, tăng 15,7%.
Đối với ngành thủy sản, năm 2018, tiếp tục thành công, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 5,5%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%; giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… và nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.
Vượt khó
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp được nhận định còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là: Những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu gây tác động tới sản xuất và cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp, đây là thách thức lớn nhất; Thứ hai, vấn đề chuỗi liên kết, lĩnh vực nào của ngành nông nghiệp cũng có liên kết, tuy nhiên liên kết quy mô còn hạn chế, vẫn chủ yếu là sản xuất hộ nhỏ lẻ dẫn tới không kiểm soát được chặt chẽ, rất rủi ro về thị trường. Thứ ba, nguy cơ về thị trường xuất khẩu. Với thị trường rộng mở 40 tỷ USD và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khiến Việt Nam dễ dàng bị tác động trước bất cứ biến động nào. Ngoài ra, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX, người dân muốn sản xuất nông nghiệp phát triển hơn cần tháo gỡ nút thắt về đất đai, tín dụng và thu hút đầu tư của doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan; xây dựng nông thôn mới chưa có sự đồng đều giữa các vùng miền…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao kết quả vượt bậc, bước đột phá ngoạn mục của ngành nông nghiệp trong năm qua; trong đó nổi bật là thành tựu về phát triển thị trường, sửa đổi nhiều thể chế chính sách quan trọng, xây dựng nông thôn mới và vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân cả nước đã vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, chung sức vì sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, cạnh đó, nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định như: cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; công tác dự báo còn hạn chế, tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn trên nhiều ngành nghề; áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chống thất thoát sau thu hoạch còn hạn chế; quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất còn nhiều bất cập; năng suất lao động còn thấp…
>> Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 – 43 tỷ USD. Riêng lĩnh vực thủy sản, tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,25 – 4,69%; kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD… |