Tăng chiều rộng

Chưa có đánh giá về bài viết

Phòng Quy hoạch thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản) cho biết, từ 2001 đến 2009, bình quân mỗi năm tàu thuyền máy tăng 6,4%, tổng công suất tăng 7,8% và sản lượng tăng 4,4%. Năm 2011, theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng đánh bắt đạt mức cao nhất trước nay, hơn 5,4 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2010. Như thế, sản lượng luôn tăng thấp hơn số lượng tàu và tổng công suất.

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản còn cho biết, giai đoạn 2001 – 2010, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản tăng nhanh nhưng nhóm tàu có công suất dưới 20 CV chiếm xấp xỉ 50%. Nếu tính nhóm tàu có công suất dưới 90 CV, chiếm tới 84% số lượng tàu. Thực trạng ấy, làm cạn kiệt nguồn lợi ven bờ. Cường lực khai thác tăng nhanh, trong khi ngư trường khai thác chưa được mở rộng, nên năng suất khai thác giảm từ 0,95 tấn/CV (1991) xuống còn 0,33 tấn/CV (2009). Sản phẩm khai thác chất lượng thấp, tỷ lệ cá tạp trong các mẻ lưới chiếm 40 – 50% đối với nghề lưới kéo cá, 70 – 80% đối với nghề lưới kéo tôm và 90 – 95% đối với nghề te xiệp, đáy và đăng ven bờ.

Nuôi trồng thủy sản cũng tăng rất nhanh, theo Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, giai đoạn 2001 – 2011, tăng bình quân hơn 17,7%. Công suất của các nhà máy chế biến còn tăng nhanh hơn nữa, vẫn theo Vụ Xuất nhập khẩu, đến mức hiện nay “khai thác chỉ đạt 50 – 70% tùy nhà máy, dẫn tới tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh trên thị trường”. Về giá trị xuất khẩu thủy sản, từ năm 2001 đến 2011, mỗi năm tăng bình quân 13,1%, nhưng “trên 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ 20% là do tăng giá”.

Như thế, xem xét khía cạnh nào cũng thấy, ngành thủy sản thời gian qua chủ yếu tăng chiều rộng. Tăng chiều rộng, phần nào giải quyết được các mục tiêu kinh tế xã hội trước mắt nhưng không bền vững. Nên mặc dù thủy sản Việt Nam đã có mặt tại thị trưởng của hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, nhưng chưa có thương hiệu mạnh, thiếu sản phẩm chất lượng cao có lợi thế cạnh tranh, thiếu đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng những đòi hỏi của thị trường.

Cho nên trong chục năm qua, chiều rộng ngành thủy sản ở mọi kích cỡ đều tăng gấp 2 – 4 lần nhưng đời sống ngư dân chưa tăng tương ứng. Trong nghề đánh bắt, mỗi năm tăng bình quân 4.000 chiếc tàu với 24.000 người đã dẫn tới cạnh tranh khai thác và cả sát thương vùng ven bờ. Nuôi trồng luôn đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thừa sản lượng.

Cuối cùng, ngành thủy sản thu hút đông lao động nhưng chủ yếu lao động thủ công. Nghề cá nước ta vẫn ở mức lạc hậu so với nghề cá của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!