Tăng cường giám sát hoạt động nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày càng được chú trọng phát triển, vì đây được coi là tương lai của ngành thủy sản, đảm bảo bù đắp cho lượng khai thác hải sản giảm sút.


 NTTS phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Nhiều vấn đề tồn tại

Trong hơn 15 năm qua, lĩnh vực NTTS đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, sản lượng NTTS cả nước ước đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3% so  năm 2017. Bốn tháng đầu năm nay, sản lượng này là 994,5 nghìn tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước.

Những tỷ lệ tăng trưởng trên chứng tỏ sức lớn mạnh của NTTS. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực này luôn được nhắc đến trong khía cạnh hiệu quả và bền vững; để đảm bảo sự phát triển ổn định và nâng cao năng suất tối đa, ngành thủy sản đang rất chú trọng phát triển. Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ NN&PTNT đã nhấn mạnh: Năm 2019, ngành NTTS đối mặt với nhiều thách thức như: dự báo nhiệt độ trung bình từ tháng 4 – 8/2019 có thể cao hơn mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 – 10C, có thể xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường gây khó khăn cho sản xuất, công tác tổ chức sản xuất NTTS nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu ngành; công tác quản lý giống thủy sản còn một số bất cập, vẫn còn số lượng lớn giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm nước lợ vận chuyển chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS có chất lượng không phù hợp với công bố; kim ngạch xuất khẩu tôm có dấu hiệu sụt giảm; giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong sản xuất NTTS.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố phải tập trung mọi người lực để vào cuộc.

Siết chặt quản lý

Trong nuôi trồng thủy sản, các yếu tố nắm vai trò quan trọng, quyết định đến hơn nửa thành công của mỗi vụ nuôi; trong đó, con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường vùng nuôi được đặt lên hàng đầu.

Về vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường), Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương: Thực hiện nghiêm các nội dung tại văn bản số 706/TB-BNN-VP ngày 31/1/2019 về việc thông báo kết luận của lãnh đạo Bộ tại Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp”; Tổ chức quản lý, giám sát chặt điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS; Kiểm soát tốt giống thủy sản bố mẹ, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng giống thủy sản bố mẹ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ thời hạn cho sinh sản theo quy định. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất và chất lượng đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định

Cùng đó, cần tăng cường quản lý các đối tượng chủ lực. Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Tuân thủ khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ; Và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tại các hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra và tôm năm 2019.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung như: Khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất; Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến tôm, cá tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm;

Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm; Tổ chức lại khâu chế biến sản phẩm để tận dụng tối đa công suất của các cơ sở chế biến, đa dạng các mặt hàng, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm; Chủ động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

>> Song song với các chương trình trên, Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các địa phương phát triển nuôi, tiêu thụ các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!