T3, 01/12/2020 10:21

Tăng cường hiệu quả tái tạo nguồn lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình trạng suy giảm, suy thoái nguồn lợi thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước của ngành thủy sản, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư địa phương đã tiến hành các giải pháp ứng phó cụ thể khác nhau.

Trữ lượng suy giảm

Trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vấn đề bảo tồn loài và nơi cư trú tự nhiên của loài (habitat) luôn được xem là những hoạt động ưu tiên. Các hoạt động này thường gắn với việc xây dựng và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa (các vùng đất ngập nước quan trọng đối với thủy sản), các khu vực cấm khai thác thủy sản, phục hồi habitat và hệ sinh thái, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. 

Tuy nhiên, diện tích các hệ sinh thái, các habitat biển, ven biển và kéo theo là nguồn lợi hải sản ở Biển Đông nói chung, ở vùng biển Việt Nam nói riêng, bị suy giảm nhanh chóng. Chất lượng nước biển và trong các thủy vực nội địa bị ô nhiễm, bị suy thoái, bị thay đổi theo chiều hướng xấu dưới tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, của các hoạt động phát triển và hành vi ứng xử của con người. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản chỉ ra rằng, tổng trữ lượng hải sản ước giảm khoảng 16% so trước năm 2010. Trữ lượng ước tính của các nhóm nguồn lợi chủ yếu trong 4 năm gần đây cũng thấp hơn so 5 năm trước đó chừng 9,4% (khoảng 410.000 tấn). Sự suy giảm nguồn lợi hải sản như vậy diễn ra cả ở tầng đáy (giảm 18,4%); tầng mặt với nhóm cá nổi nhỏ (giảm 7,3%) và nhóm cá nổi xa bờ (giảm 8,8%). Nhóm nguồn lợi tầng đáy đã chạm ngưỡng giới hạn, nhóm cá nổi (cá nổi lớn và cá nổi nhỏ) còn trong giới hạn khai thác cho phép. Ngoài ra, khoảng 100 loài hải sản được đưa vào Sách Đỏ với các mức cảnh báo khác nhau. Không ít loài thủy sản trong nội đồng đã bị khai thác cạn kiệt, không ít loài “vắng mặt” trong những bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, gần đây nhiều loài thủy sản bị suy thoái đã được phục hồi, trở thành các món ăn ưa thích của thực khách. 

Tăng cường tái tạo nguồn lợi

Hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia, các khu cấm khai thác thủy sản có thời hạn được thiết lập để bảo vệ các nơi tập trung sinh sản, nơi trú ngụ của các thủy sản còn non (bãi đẻ, bãi giống thủy sản), đặc biệt là phóng thích, thả giống thủy sản… nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Các quy định cấm khai thác thủy sản có thời hạn do ngành thủy sản trước đây và ngành NN&PTNT hiện nay ban hành đã được triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, một số tỉnh ban hành bổ sung quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại các thủy vực thuộc địa bàn quản lý của tỉnh. Trong thời gian cấm khai thác, các tỉnh đều thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực (con người, trang thiết bị, kinh phí) nên hoạt động này thực chất chưa được triển khai đúng với tinh thần của các thông tư hướng dẫn, cũng như cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân nhằm giảm vi phạm trong thời gian cấm.

Các hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được ngành và các địa phương tổ chức hằng năm, trở thành một phong trào rộng khắp cả nước. Hoạt động này đã thu hút các thành phần trong xã hội tham gia, góp phần quan trọng phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học thủy sinh. Thông qua đó, cũng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản vì một nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Để duy trì và tạo thuận lợi cho hoạt động này, năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và ban hành “Sổ tay hướng dẫn hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản” và phối hợp với 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn. Tổng số giống thủy sản được thả xuống các thủy vực tự nhiên là 91,3 triệu con, gấp hơn 2 lần so năm 2018. Đặc biệt, một số địa phương đã thả hàng chục triệu tôm sú giống, các loài thủy sản quý, hiếm, bản địa khác (song chấm, giò, thát lát cườm, hô, lăng nha, bỗng) và cá thể bố, mẹ trưởng thành vào các thủy vực nội đồng và ven biển, như: Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Ninh, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau… 

Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Giáo hội Phật giáo các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên và Cà Mau tổ chức lễ thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tập huấn, hướng dẫn về phóng sinh các loài thủy sản và vận động các tăng ni, phật tử ký cam kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, đã có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tăng 12 tỉnh so với năm 2018) ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan quản lý thủy sản với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh. 

Để tăng cường hiệu quả thực chất của phong trào phóng thích, thả giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cần thực hiện và giải quyết đồng bộ một số vấn đề, như: (i) Đánh giá, giám sát khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản liên quan tới lượng giống được phóng thích hằng năm (tỷ lệ sống sót, mức độ trưởng thành, lập bản đồ phân bố địa điểm và vùng nước phóng thích…); (ii) Tăng cường kiểm tra chất lượng các loài và nguồn giống được lựa chọn trước khi phóng thích, để loại bỏ mầm bệnh có khả năng lây lan; (iii) Ưu tiên phóng thích, thả giống thủy sản vào các thủy vực nội địa kết hợp phục hồi các loài bản địa, truyền thống; (iv) Thả giống ra biển cần chú ý kết hợp bảo tồn, phục hồi các habitat (như là giữ ngôi nhà chung của các loài) hoặc chọn các thủy vực ven bờ, ven đảo “thích hợp”, bảo đảm thủy sản không di cư, phân tán quá xa khỏi nơi thả giống, sang vùng biển nước khác; (v) Nâng cao nhận thức, trang bị thêm kiến thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia phóng thích, thả giống thủy sản; xem đó là một hoạt động “làm phúc, cầu may” và là một cách “trả món nợ” sinh thái cho “Mẹ thiên nhiên”; để phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và duy trì thị phần xuất khẩu bền vững.

Nguyễn Chu Hồi, Đào Việt Long 

và Nguyễn Thị Thu Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!