Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, nông nghiệp ứng phó biến đối khí hậu (BĐKH) là hệ thống sản xuất nông nghiệp đảm bảo: Tăng năng suất/sản lượng bền vững; Tăng khả năng phục hồi (thích ứng); Giảm/loại bỏ (giảm nhẹ) phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển.
“Mô hình tăng trưởng xanh (TTX) và nông nghiệp thông minh ứng phó BĐKH (CSA)” là một cách tiếp cận mới đối với ngành thủy sản; VIFEP là cơ quan đầu tiên trong ngành tiếp cận phương pháp mới này.
Trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) có hơn 20 loài nước ngọt chính và hơn 20 loài hải sản chính, với nhiều mô hình nuôi khác nhau, đáp ứng một phần của TTX và CSA:
Nuôi đơn: Thủy sản – lúa (xen canh, luân canh); Thủy sản – rừng; Tôm – muối; Nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò huyết…)
Nuôi ghép: 2 đối tượng (cá chẽm + tôm sú; tôm sú + rô phi; tôm + sò huyết…); Mô hình VAC; Mương vườn.
Mô hình thủy sản – lúa (xen canh, luân canh)
Đây là mô hình nuôi xen hoặc luân canh thủy sản với lúa, ví dụ, cá + lúa, tôm + lúa (hình 1). Hiện, cả nước có khoảng 680.000 ha (2014), tập trung phần lớn ở các tỉnh ĐBSCL. Một số điểm thông minh: Tận dụng được thức ăn/dinh dưỡng tự nhiên; Môi trường nuôi được cải thiện, giảm dịch bệnh; Giảm chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho lúa; Sản phẩm tôm, lúa có chất lượng, giá trị cao hơn…
Mô hình thủy sản – rừng
Đây là mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn (hình 1). Ưu điểm: Nuôi dựa vào thức ăn tự nhiên; Không sử dụng hóa chất, thuốc chữa bệnh; Bảo vệ và duy trì các nguồn tài nguyên môi trường và hệ sinh thái; Giảm phát thải khí nhà kính; Thích ứng BĐKH; Tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển.
Mô hình tôm – muối
Ưu điểm: Tận dụng được đất vào mùa mưa khi không có khả năng sản xuất muối; Tận dụng thức ăn tự nhiên (artemia, tảo); Ít bị dịch bệnh; Giảm chi phí thức ăn, hóa chất khử trùng và thuốc phòng trị bệnh; Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; Tăng thu nhập cho nông hộ.
Mô hình nuôi nhuyễn thể
Đây là các mô hình nuôi nhuyễn thể đặc biệt ở vùng ven biển (như nghêu, sò huyết, vẹm, tu hài, trai ngọc… (hình 2). Mô hình này là ví dụ về NTTS carbon thấp do nhuyễn thể là loài ăn lọc các động thực vật phù du trong tự nhiên ở đáy của chuỗi thức ăn, không tiêu thụ thức ăn nhân tạo phát thải làm trái đất nóng lên. Nhuyễn thể còn có vai trò trong cải thiện chất lượng nước bằng cách lọc bùn cát và chất dinh dưỡng thừa; có thể tổng hợp carbon tạo thành vỏ…
Mô hình nuôi xen ghép
Đây là mô hình nuôi ghép từ 2 đối tượng trở lên trong cùng diện tích ao nuôi, nhằm tận dụng diện tích mặt nước và dinh dưỡng trong ao. Các đối tượng được chọn nuôi phụ thuộc vào đặc điểm sinh thái thích nghi và thức ăn của mỗi loài trong ao nuôi. Ví dụ, mô hình nuôi ghép tôm sú + cá chẽm/cá rô phi/sò/rong biển. Ưu điểm: Tận dụng được nguồn dinh dưỡng, thức ăn thừa của tôm; Nâng cao chất lượng nước và hạn chế dịch bệnh cho tôm; Ít sử dụng thuốc kháng sinh, tôm lớn nhanh…; Giảm chi phí sản xuất; Tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích nuôi và đa dạng hóa sản phẩm.
Mô hình VAC
Mô hình này phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và miền núi. Đây là ví dụ điển hình của mô hình nuôi ghép các đối tượng trong ao nuôi. Ưu điểm: Hạn chế chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt; Tăng nguồn cung cấp đạm; Tạo nhiều việc làm (gồm nhiều loại hình công việc); Hiệu quả kinh tế cao: Tiết kiệm chi phí (50 – 60%); Đa dạng hóa sản phẩm.
Mô hình mương vườn
Mô hình này phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, nhất là Bến Tre; ví dụ nuôi cá, tôm càng xanh trong mương vườn. Ưu điểm: Tận dụng diện tích mặt nước các kênh cấp thoát nước trong vườn; Nâng cao thu nhập và protein hằng ngày; Không/ít sử dụng thức ăn bổ sung; Ít phát thải khí nhà kính.
Còn nhiều rào cản
Ngưỡng chưa được xác định (giữa tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính); Chưa có nghiên cứu về mức độ tối ưu hóa sản xuất; Khó thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng do trình độ và kinh nghiệm sản xuất; Người nuôi chạy theo lợi nhuận, tùy tiện dùng hóa chất, kháng sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để thống nhất nhận thức; Đưa ra tiêu chí chi tiết hơn về TTX và CSA cho ngành thủy sản; Hoàn thiện quy trình kỹ thuật NTTS theo tiêu chí TTX và CSA mới; Quy hoạch các đối tương NTTS theo mô hình TTX và CSA; Xây dựng mô hình thí điểm và đánh giá hiệu quả; Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất hướng tới TTX và CSA; Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm TTX và CSA.