T2, 06/07/2020 09:59

Tảo biển – Nguồn nhiên liệu sinh học khổng lồ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tảo biển có khoảng 25.000 loài, được chia thành nhiều hệ như tảo xanh lục, tảo lam, tảo đỏ và tảo nâu… Chúng tăng trưởng nhanh trong môi trường nước mặn tự nhiên, chứa hàm lượng đường cao. Điều này giúp tảo biển trở thành nguyên liệu tiềm năng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học và hóa chất tái tạo.

Nhiều lợi ích

Tảo biển không có hoa. Thân, rễ của chúng là các mô thẩm thấu, chứa trên 80% nước khoáng từ biển. Các yếu tố tạo nên tảo gồm 75% là chất hữu cơ (lipid, protid, glucid, vitamin) và 25% là khoáng chất, các nguyên tố vi lượng như iốt, magiê, moliden, fluo, kali… nên rất có giá trị trong các lĩnh vực làm đẹp, sức khỏe, dinh dưỡng…

 

Tảo biển nâu

 

Thường xuyên ăn tảo sẽ giúp làm sạch ruột, ngừa táo bón, giảm huyết áp, giảm cholesterol, diệt khuẩn, làm sạch máu, giúp ngừa bệnh ung thư, nhất là ung thư vú… Bên cạnh đó, các chất được chiết xuất từ tảo biển còn rất có lợi trong việc chăm sóc da, làm da săn chắc, giảm hiện tượng da sần, nhám. Riêng tảo đỏ Asparagopsis có tính năng diệt khuẩn và nấm, giúp chống mụn và hiện tượng gàu.

 

Tiềm năng mới

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Kiến trúc Sinh học tại California, Mỹ đang nỗ lực nghiên cứu để tạo ra một loại vi khuẩn có khả năng biến lượng đường trong tảo biển nâu thành một nguồn năng lượng có thể thay thế dầu và than đá.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc lựa chọn tảo biển là do chúng có hàm lượng đường cao (khoảng 60% sinh khối của tảo biển), nhưng lại không chứa chất lignin và cũng không đòi hỏi đất canh tác hay môi trường nước ngọt để nuôi trồng như một số loại nguyên liệu khác. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần khai thác tảo biển trên 3% chiều dài đường bờ biển trái đất là có thể dễ dàng thu được 60 tỷ gallon nhiên liệu sinh học thay thế. Đó cũng là lý do khiến hoạt động trồng tảo biển với mục đích thương mại ngày càng được nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Mỹ được coi là bước đột phá trong nỗ lực tìm kiếm và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong tương lai không xa.

>> Hiện, ý tưởng này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, khi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng, hứa hẹn sẽ tạo ra ngày càng nhiều nhiên liệu và hóa chất tái tạo mà không cần sử dụng đất đai hay nước ngọt như các loại cây trồng truyền thống ngô, mía, sắn…

 

Hải Băng

 

Bách khoa thư: Cá anh vũ 

Là một loài cá xương nước ngọt thuộc họ Cá chép, có tên khoa học là Semilabeo notabilis. Cá có thân dày màu xám tro, thuôn về phía đuôi, có hai đôi râu, bụng màu vàng nhạt. Chiều dài trung bình từ 31-67cm, nặng khoảng 0,5-1 kg, có thể lên tới 5 kg. Ăn các loại tảo bám, động vật nhỏ, mảnh vụn hữu cơ bằng cách dùng môi cạo thức ăn bám trên đá. Thành thục sinh dục sau 1-2 năm tuổi, mùa đẻ vào tháng 2-4. Nơi sinh sống chủ yếu tại các vực sâu nước chảy, đáy có đá như khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Kỳ Cùng và sông Lam.             

Nguồn: vi.wikipedia.org

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!