Sau hơn một tháng phát động, Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 đã bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Sản xuất nước mắm truyền thống Ảnh: An Đăng
Rất nhiều hồ sơ trở về
Năm 2016, trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, ngành thủy sản vẫn đạt kết quả vượt qua kỳ vọng, đặc biệt là với lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 7 tỷ USD; tổng sản lượng hơn 6,7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn. Tiếp đà thắng lợi, năm 2017, toàn ngành phấn đấu kim ngạch đạt 7,1 tỷ USD, tổng sản lượng 6,85 triệu tấn, trong đó nuôi trồng 3,8 triệu tấn.
Đánh giá đóng góp về thành công này không thể không kể đến công sức của người nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nỗ lực của họ trong sản xuất đã làm nên những thành công ngoài mong đợi của toàn ngành. Bởi chính “cái khó ló cái khôn” với những sáng kiến trong nuôi tôm “mùa xâm nhập mặn” đã đưa đến thành công không ngờ sau mỗi vụ nuôi. Còn với doanh nghiệp, họ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để không chỉ đảm bảo được các đơn hàng xuất khẩu, mà còn gia tăng thị phần ở những thị trường truyền thống cùng với đó là mở rộng thị trường mới.
Thành quả này càng thúc đẩy Ban tổ chức chương trình bình chọn Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 sớm triển khai. Mục đích nhằm kịp thời ghi nhận công lao của những “anh hùng thầm lặng”, đồng thời động viên và khuyến khích họ trong sản xuất, kinh doanh.
Sau hơn 1 tháng phát động, được sự phối hợp từ Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Hiệp hội thủy sản và Hội Nghề cá các tỉnh, thành phố đã giới thiệu các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tiêu biểu tại địa phương đăng ký, cùng nỗ lực của các thành viên trong Ban tổ chức. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được gần 300 bộ hồ sơ hoàn thiện và trên 500 email, điện thoại xác nhận tham gia.
Đây là thành quả không nhỏ sau những buổi làm việc và hỗ trợ tích cực của Thường trực Ban tổ chức trong gần một nửa chặng đường. Từ nay đến cuối tháng 6, chắc chắn rằng chương trình sẽ có hàng nghìn bộ hồ sơ để xét bình chọn.
Cơ hội cho sản xuất truyền thống
Trong số các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân gửi hồ sơ và xác nhận tham gia về Ban tổ chức, điều ghi nhận đáng kể là sự góp mặt của các lĩnh vực sản xuất truyền thống, với nhiều hồ sơ chất lượng, chỉn chu.
Trước hết phải kể đến là sự trở lại của những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp cả nước. Nếu được vinh danh thì có thể nói đây là sự tôn vinh chính đáng và đúng thời điểm, nhằm cổ vũ tinh thần lao động của họ trong sản xuất và giữ gìn bản sắc truyền thống của nước nhà. Đặc biệt là thêm một lần nữa khẳng định chất lượng và vị thế của ngành hàng nay sau những tuyên bố nhập nhèm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS).
Hiểu rõ vấn đề này, nên ngay từ ý tưởng khởi xướng, bên cạnh việc vinh danh các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, dịch vụ hậu cần… Ban tổ chức Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam vẫn luôn dành một phần đặc biệt để biểu dương sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Năm 2009, đi đầu là nước mắm Châu Sơn, một trong 78 đơn vị, cá nhân có mặt trong “bảng vàng”. Con số này quá ít ỏi so với thực tế khi nhiều đơn vị sản xuất còn ngần ngại tham gia, đây quả là một điều đáng tiếc.
Nhằm khắc phục vấn đề này, lần thứ 4 năm 2017, Ban tổ chức chương trình đã rất chú trọng đến các sản phẩm, ngành hàng truyền thống của Việt Nam. Một là để thêm đa dạng những đơn vị có mặt trong giải thưởng cao quý, nhưng quan trọng hơn là tạo cơ hội để họ đưa thương hiệu và sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Hy vọng những tâm huyết của Ban tổ chức sẽ được đền đáp một cách hiệu quả.