Sau nhiều tháng phải cho tàu nằm bờ vì không mua được bảo hiểm tàu cá, vừa qua nhiều chủ “tàu 67” trong tỉnh thở phào khi mua được bảo hiểm từ Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH).
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ tháng 4.2020 đến giữa tháng 12.2020, có 28 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (thường gọi là “tàu 67”) phải nằm bờ do không mua được bảo hiểm. Mới đây, sau nhiều phiên đàm phán, xem xét, Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ (đóng tại TP Quy Nhơn, thuộc Tổng công ty BSH) đã đồng ý bán bảo hiểm “tàu 67” cho ngư dân Bình Định.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân Trần Thanh Hùng, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đã được mua bảo hiểm tàu cá. Ảnh: Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ
Tháng 11 vừa qua, tàu cá vỏ thép BĐ 99759-TS của ngư dân Trần Thanh Hùng, ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) được Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ bán bảo hiểm tàu cá với mức trách nhiệm bảo hiểm 6 tỷ đồng. Anh Hùng phấn khởi cho biết: “Tháng 4.2020, tàu tôi hết hạn bảo hiểm nhưng không mua lại được. Sau nhiều lần tìm hiểu và kết nối, tôi được Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ bán bảo hiểm thời hạn từ tháng 11.2020 – 11.2021 với mức phí hơn 35 triệu đồng. Có bảo hiểm rồi, hết mùa trăng này tôi sẽ đưa tàu ra biển trở lại”.
Nhiều chủ “tàu 67” ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) biết được thông tin đã liên hệ với DN kinh doanh bảo hiểm để đăng ký mua. Ngư dân Thái Văn Duyệt, ở xã Cát Khánh, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99160-TS, bộc bạch: “Tới tháng 3.2021, tàu tôi mới hết hạn bảo hiểm, nhưng tôi phải lo trước để nối tiếp thời hạn bảo hiểm, đủ điều kiện vươn khơi”. Tương tự, tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS của ngư dân Lê Văn Thãi chưa hết hạn bảo hiểm, nhưng anh cũng lo đăng ký mua. Anh Thãi thổ lộ: “DN không những bán bảo hiểm, mà còn tạo thuận lợi cho ngư dân được lựa chọn gói bảo hiểm giá trị tàu với nhiều mức trách nhiệm từ 3 tỷ đồng, 5 tỷ đồng đến tối đa là 7 tỷ đồng; chủ tàu chỉ nộp 20% phí bảo hiểm khi nộp hồ sơ, khi được cấp bán bảo hiểm sẽ nộp thêm 40% phí, phần phí còn lại sẽ nộp trong vòng 4 tháng kế tiếp”.
Hiện tại, Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ đã tiếp nhận 6 hồ sơ đề nghị bán bảo hiểm và đã bán bảo hiểm cho 1 tàu cá. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm BSH Trung Trung bộ, cho biết: “Chúng tôi thấy nhiều “tàu 67” của ngư dân trong tỉnh không được vươn khơi vì chưa mua được bảo hiểm, nên xin ý kiến Tổng công ty bán bảo hiểm cho ngư dân, nhằm giúp họ tháo gỡ nút thắt ban đầu”.
Theo ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, Luật Thủy sản không bắt buộc ngư dân mua bảo hiểm tàu cá, chỉ bắt buộc mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, nhưng “tàu 67” là tài sản hình thành từ vốn vay, theo điều kiện có trong hợp đồng, ngân hàng không cho các tàu này ra khơi khi không có bảo hiểm, quy định này cũng đã được UBND tỉnh ban hành trong kế hoạch thu hồi nợ vay “tàu 67”. Sở sẽ tiếp tục liên hệ với các DN kinh doanh bảo hiểm khác để đặt vấn đề bán bảo hiểm “tàu 67” cho ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), cho biết: Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 67 để trình Chính phủ thông qua trong quý II/2021 với nhiều chính sách mới, như: Chuyển đổi chủ “tàu 67” làm ăn kém hiệu quả sang chủ tàu mới; xử lý rủi ro “tàu 67”; sửa đổi chính sách duy tu, bảo dưỡng “tàu 67”, nâng mức hỗ trợ phí mua bảo hiểm “tàu 67” từ 50% lên 70%… nhằm hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững.