Ngư dân Trần Chuyền ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cho biết “nghe anh em nói máy tàu của Trung Quốc hay trục trặc, nhưng cũng cắn răng mà mua để đi làm”. Vậy nguyên nhân từ đâu mà hàng loạt “tàu cá 67” của tỉnh Quảng Ngãi đã quay sang lắp máy thủy Trung Quốc, dù lòng bất an?
Trên chiếc tàu sắp đóng hoàn tất, ngư dân Trần Chuyền và Trần Tèo ngồi bàn tính chuyện lắp máy thủy cho tàu. Hai anh em ruột đều nhận dự án đóng 2 chiếc “tàu 67”. Tàu có chiều dài lên đến 21 mét, rộng 5,78 mét, chiều cao mạn 3 mét. Để vận hành con tàu có thân vỏ gỗ lớn, hai anh em ông Chuyền và Tèo đều lắp máy công suất 450 CV. Có tàu mới thì vui, nhưng ngày mai cẩu máy xuống tàu thì hai anh em đều có tâm trạng lo âu. Bởi vì, tàu sẽ lắp máy thủy của Trung Quốc.
Vì máy thủy Trung Quốc độ bền không cao – Ảnh: Lê Chương
Ông Chuyền cho biết, vay ngân hàng 2,5 tỷ đồng từ nguồn tín dụng của Nghị định 67, còn lại chủ tàu đối ứng 30% vốn để đóng tàu. Với số tiền trên, nếu mua máy thủy của Nhật Bản hoặc của Mỹ thì sẽ quá sức, không đủ tiền để sắm lưới và vỏ tàu lớn. Hiện nay, máy Nhật Bản chưa qua sử dụng giá thành hơn 2 tỷ đồng. Máy thủy của Trung Quốc chỉ có giá 700 triệu đồng.
Ông Tèo và ông Chuyền đều nhất trí phương án, máy Trung Quốc chỉ sử dụng 5 năm là cẩu lên bán sắt vụn. Trong khi máy Nhật Bản thì sử dụng trên 20 năm. Nhưng các ngư dân lo lắng khi tham khảo một số tàu cá làm nghề lưới giã cào đã sử dụng máy thủy Trung Quốc cách đây hơn 1 năm. Máy thủy của Trung Quốc chủ yếu là loại Du Chai, Wei Chai. Máy có vòng tua lớn, chạy rất mạnh, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Nhưng thỉnh thoảng máy bị trục trặc hệ thống nước làm mát.
Máy Nhật Bản rất ít khi bị rò hệ thống nước làm mát. Nhưng nếu bị sự cố thì máy tàu dừng. Còn máy của Trung Quốc nếu bị rò nước thì có thể phá tan cả lốc máy, máy tàu phải thay nhiều thiết bị, nếu an toàn thì bỏ máy để thay máy mới. Máy Nhật khi đi làm thì độ ổn định rất cao. Còn máy thủy của Trung Quốc, ngư dân phải mang theo một bao bầu lọc nhớt. Khi máy nổ sặc, ngắt quãng thì ngư dân thay bầu nhớt để không còn cặn vào bơm.
Ông Huỳnh Văn Minh, thành viên Hợp tác xã đóng tàu xã Nghĩa An cho biết: “Tại Hợp tác xã cũng có một chi nhánh của Công ty Duy Phương chuyên bán máy thủy của Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn tàu cá của ngư dân mình xài máy của Trung Quốc. Máy Trung Quốc giá rẻ, chạy mạnh, nhưng mà độ ổn định thì không cao. Vì quy định của Nghị định 67 là ngư dân phải lắp máy mới. Bà con không đủ tiền nên chấp nhận xài đỡ máy Trung Quốc”.
Ông Hải, thuyền trưởng của một tàu cá làm nghề lưới giã cào ở địa phương cho biết, “nói chung là ngư dân biết máy Trung Quốc không bền, nhưng bà con cứ mua về xài, đôi ba năm bỏ lên bờ rồi mua máy mới”. Theo ông Hải phân tích, khoảng 1 năm trở lại đây, bà con ngư dân mua máy thủy của Trung Quốc về xài và chủ yếu lắp cho tàu cá làm nghề lưới giã cào. Đây là nghề chuyên đánh bắt cách bờ vài chục hải lý, có khi chỉ hơn 10 hải lý, song song với vùng bờ biển. Chính vì vậy ngư dân không quá lo lắng chuyện máy Trung Quốc bị sự cố. Vì gần bờ nếu hỏng hóc thì có tàu trong bờ ra cứu. Còn “tàu 67” là tàu đi khơi xa, cách bờ cả trăm hải lý. Nếu ngư dân lắp máy Trung Quốc thì cũng lo lắng và phập phồng trong bụng.
Sau 6 đợt xét duyệt hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đóng 78 tàu, trong đó có 29 tàu vỏ thép, 43 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. Đến thời điểm hiện nay, ngư dân có nhiều ý kiến thắc mắc và lo lắng khi tàu vỏ gỗ sử dụng máy thủy do Trung Quốc sản xuất.
Nhiều ngư dân chia sẻ quanh việc tàu cá sử dụng máy Trung Quốc: “Theo quy định của nhà nước thì “tàu 67” phải đặt máy mới. Nếu nhà nước không có quy định thì chúng tôi thà mua máy cũ của Nhật Bản tại bãi máy Sài Gòn về sử dụng còn hơn là mua máy của Trung Quốc. Vì bà con không yên tâm khi tàu ngư dân đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế, cùng nhà nước bảo vệ chủ quyền, nhưng máy tàu lại là máy của Trung Quốc”.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, hiện nay ngư dân địa phương đã lắp 29 máy thủy Trung Quốc trên “tàu cá 67”; nhiều nhất là tại huyện Đức Phổ.
>> Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, cho biết, việc sử dụng máy trên tàu là do nhu cầu của ngư dân; cùng đó, mỗi máy móc dùng trên tàu đều có những đăng ký chỉ tiêu và các thông số cụ thể. Theo đó, ngư dân cần lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu và tên tuổi trên thị trường, không nên sử dụng máy có chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc để tránh làm giảm hiệu quả khai thác. |