Để chủ động đối phó với cơn bão mạnh Bopha đang có khả năng di chuyển vào biển Đông, ngày 4-12, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi ban chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các bộ ngành liên quan thực hiện thông báo, kiểm đếm phương tiện hoạt động trên biển, triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn.
Theo đó, công điện yêu cầu các đơn vị trên thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 13 trong 24 giờ tới; kiểm đếm và quản lý chặt chẽ tàu thuyền,đặc biệt là tàu thuyền hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa…
Cùng ngày, Bộ tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã có điện gửi Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng; Quân chủng hải quân, phòng không – không quân và Cục Cảnh sát biển Việt Nam yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống bão. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện tham gia phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Tính đến 17g ngày 4-12, các địa phương và biên phòng tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 45.320 tàu/243.444 lao động biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh. Trong đó có 52 tàu/508 lao động hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, 565 tàu/5.104 lao động hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lúc 11g ngày 3-12 tại vùng biển cách cửa Trà Lý (Thái Bình) khoảng 4,5 hải lý, thuyền viên Lê Văn Chức trên tàu cá TB 3114 (do ông Lê Đức Văn ở Thái Thụy, Thái Bình làm chủ) bị rơi xuống biển mất tích khi tàu đang trên đường về bờ. Biên phòng Thái Bình đã cử 3 cán bộ chiến sĩ cùng 1 xuồng phối hợp tàu TB 3114 tổ chức tìm kiếm nhưng đến chiều 4-12 chưa có kết quả.
* Trước đó, bão Bopha đã khiến ít nhất sáu người thiệt mạng ở Philippines ngày 4-12. Đây là trận bão lớn nhất tràn vào nước này trong năm nay, khiến 50.000 người phải đến tạm trú trong các khu lánh nạn khẩn cấp.
Bão Bopha có sức gió lên tới 210 km/giờ – Ảnh: aljazeera
Theo Hãng tin AFP, bão Bopha đổ bộ vào đảo Mindanao, miền nam Philippines vào sáng sớm 4-12, mang theo mưa lớn và gió lên tới 210km/giờ. Sáu người đã thiệt mạng, bao gồm một cụ bà có ngôi nhà bị cây đè đổ, theo lời các nhân viên cứu hộ. Bốn ngư dân đã mất tích, theo lời Freddie Bendulo – quan chức kế hoạch phát triển ở tỉnh Davao Oriental.
Đến đầu giờ trưa, cơn bão yếu dần và sức gió tối đa còn 195 km/giờ, theo cơ quan khí tượng. Người đứng đầu Cơ quan phòng vệ dân sự địa phương Benito Ramos nói cơn bão đã chuyển hướng và được dự báo tiến vào các đảo miền trung Bohol, Negros và khu du lịch nổi tiếng Cebu sau đó trong ngày 4-12.
Mỗi năm hàng nghìn người thiệt mạng ở Philippines vì khoảng 20 cơn bão nhiệt đới, nhưng ông Ramos nói số người thiệt mạng trong cơn bão Bopha lần này thấp vì những nỗ lực phòng chống hiệu quả của chính quyền. “Tới giờ, thiệt hại là tối thiểu nhờ vào sự hợp tác của người dân và nỗ lực của chính quyền địa phương” – ông nói với các phóng viên.
Nhiều phần trên khắp đảo Mindanao, vốn ít bị bão hơn, đã mất điện khi nhà chức trách buộc phải cắt điện đề phòng sự cố trong thiên tai. “Chúng tôi đã đưa gà và heo vào trong nhà vì ở trong chuồng chúng sẽ chết hết” – nông dân 46 tuổi Marianita Villamor ở thị trấn San Fermin, bờ biển phía đông Mindanao, nói với AFP.
Trung tâm thương mại của hòn đảo là Cagayan de Oro, thành phố 600.000 dân, đã bị lũ lụt khi bão và mưa lớn khiến nước các dòng sông tràn bờ. Thị trưởng thành phố Vicente Emano nói trên đài truyền hình ABS-CBN cảnh sát đã kịp sơ tán tất cả người dân ở vùng trũng trước khi bão đổ vào.
>> Hơn 53.000 người đã được sơ tán vào gần 1.000 khu lánh nạn của chính phủ sáng 4-12, theo lời Văn phòng phòng vệ dân sự. Tổng cộng 145 chuyến bay ở Mindanao và các đảo miền trung đã bị hủy bỏ tối 3-12, hơn 3.000 hành khách đi phà bị mắc kẹt và được yêu cầu ở lại bến cảng, theo nhà chức trách. |