Ngày 15/5, ông Nguyễn Văn Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết: Trung Quốc vẫn ở thế bị động do tập trung bảo vệ giàn khoan, bán kính bảo vệ của các tàu này đã thu hẹp lại trong phạm vi 6,5 hải lý.
“Trong ngày, số tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép đã tăng lên 99 tàu, bao gồm: 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các máy bay tuần thám.
Tàu Trung Quốc vẫn chia thành các tuyến bảo vệ, khi tàu cá và tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 thì ngăn cản và sẵn sàng va chạm với các tàu của Việt “Những va chạm giữa tàu của Trung Quốc với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam đã cơ bản giảm so với những ngày trước”- ông Trung cho biết.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên bị 3 – 4 tàu của Trung Quốc bám sát, kèm chặt, ngăn cản.
Theo báo cáo diễn biến tại hiện trường của lực lượng kiểm ngư, trong ngày 15/5 lực lượng Trung Quốc dù đỡ bớt hung hăng hơn nhưng vẫn sẵn sàng đâm va, cản phá và dùng súng bắn nước tấn công tàu Việt Nam khi tiếp cận giàn khoan. Các tàu Trung Quốc thường xuyên rú còi có công suất lớn khi lực lượng Việt Nam phát loa tuyên truyền quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Tàu Cảnh sát biển VN và Kiểm ngư Việt Nam vẫn tổ chức tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, yêu cầu các tàu bảo vệ của Trung Quốc và giàn khoan rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tàu của Trung Quốc thường xuyên áp sát, ngăn chặn hoạt động của lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Một số tàu cá của ngư dân ta đang sản xuất trên khu vực đã bị tàu của Trung Quốc áp sát, ngăn cản và đâm vào 1 tàu cá của ta làm gãy dọc cabin sau lái. Tuy nhiên, tàu bị hư hỏng đã tự khắc phục và tiếp tục sản xuất tại ngư trường.
Trong ngày 15/5, ngoài tàu của Cảnh sát biển VN và tàu của lực lượng Kiểm ngư, vẫn có 30 tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà sản xuất tại khu vực.