Tết có phải là một trật tự không? Tôi không biết
Tết có phải là phản kháng thời gian không? Tôi không biết
Tết sum họp, ráp nối, hàn gắn hay khước từ? Tôi không biết nốt…
Từ trong luồng sáng soi tỏa trên trần nhà xuống, hắn hoạnh họe tôi. Hắn dằn mặt tôi. Hắn dạy dỗ tôi như kiểu người đánh cờ một mình, lùi lại bên này hỏi lại chồm sang bên kia trả lời, lùi bên này dương ra một nước cờ lại chồm sang bên kia toát mồ hôi hóa giải, chống chế. Tôi và hắn là một cặp nực cười nhất trong các cặp mà tôi biết được, thường thì hắn đàn áp, tôi cưỡng kháng, thường thì hắn thẳng mực tàu, tôi vòng vo, thường thì hắn sấn tới hãnh kiêu, tôi mép rìa né tránh… Vậy mà hắn vẫn là cặp bài trùng với tôi, không cách gì xua đuổi hắn đi được. Hắn biết quá nhiều về tôi. Hắn biết hết quá khứ của tôi. Hắn thấu ruột gan tôi còn hơn cả chính tôi biết tôi. Vậy mà cũng có lúc hắn đỏ hoe đôi con mắt cùng tôi, ngay trong cái Tết này đấy thôi:
Chẳng có gì làm tôi đau nổi nữa, qua hết rồi Diễm!
Hắn mạnh miệng như thế nhưng tôi vẫn thấy mắt hắn đỏ hoe khi biết Tết này không được về thăm nhà.
Chẳng có con ma nào làm tôi sợ nổi nữa vì con ma lớn nhất đã chết ở đây này.
Hắn chỉ vào ngực bằng cả năm ngón tay co quắp rồi cứ thế mà nhịp mãi. Hắn nhịp nhịp tay nhưng tôi lại thấy hắn đang run lẩy bẩy.
Hắn là thế. Hắn thường bước ra từ tôi vào những lúc không gian tràn ngập cảm xúc của con người như khoảnh khắc sắp giao thừa này hoặc những lúc tôi chuếnh choáng men rượu.
Hắn xuất hiện ngoài ý muốn của tôi. Tôi muốn hắn là hắn, hắn chẳng liên quan gì đến tôi cả, bởi vì thực ra tôi là tôi, tôi có quyền đón cái Tết này một mình mà không cần đến sự có mặt của hắn. Vậy mà hắn cứ lách người bước ra từ ngực tôi, từ tay chân tôi, từ mắt mũi tôi, từ hồn vía tôi. Thật chẳng ra làm sao cả! Tết nhứt thì đến nơi rồi, đồng hồ đang quay ngược trong từng phận người, trong từng đóa hoa, trong từng sinh linh và trong cả đất trời mênh mông. Và nữa, hắn lại bảo con ma lớn nhất là chấp ngã, hắn chỉ thẳng vào tôi mà răn dạy mới thật là thô lỗ, hắn bảo nó ở bên trong ngực tôi đây này, sợ mẹ gì! Khốn thật! “Nếu ta giết nó từ bên trong thì nó không đến từ bên ngoài được nữa”, còn dám cao giọng nữa chứ. Láo toét! Tôi hét lên. Hắn lùi lại. Tôi nói gằn rõ từng lời cho xuyên thủng lỗ tai hắn:
– Anh là người khách không được mời. Hãy tan biến đi để cho tôi đón giao thừa. Hương tôi đã thắp lên bàn thờ rồi này. Rượu tôi đã rót ra ly rồi đây này. Những con chữ đang bò ngổn ngang trên màn hình đó, anh không thấy sao? Hãy để tôi yên! Hãy để tôi yên! Hãy để… tôi… yên… yên!… Càng nói tôi càng mất bình tĩnh, tôi gào lên, hét lên, khản cổ thều thào, chồm người tới trước mặt hắn. Hắn vẫn lì lợm không chịu đi vào trong tôi, cứ lui tới, lui tới, lui tới mãi. Tôi quỳ xuống chắp tay van xin hắn: Hãy – để – tôi – yên! Hắn ngoảnh mặt và nói rành rọt từng lời: “Mày không có Tết đâu! Từ sau cái Tết đó, mày đã không còn Tết nữa, hiểu chưa?!” Tôi co rúm người lại khóc nức nở như đứa trẻ lên ba, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc như thế. Tôi không muốn khóc nữa. Tôi mệt, thở không nổi, cổ họng nghẹn đau. Tôi cần thoát khỏi cái thứ cảm xúc yếu mềm, hành hạ này nhưng vai tôi vẫn giật. Tôi đưa hai ngón tay giữ trái khế trên cổ họng lại mà nó cứ nhào lên nhào xuống. Tôi đưa cả bàn tay bụm miệng mà những âm thanh mềm yếu đáng ghét kia từ đâu đó trong tôi mà bật lên, mà phát ra, rên rỉ ỉ ôi. Tôi chúa ghét việc phải khóc trước mặt hắn vậy mà tôi lại không cưỡng nổi, tôi lại đang đánh mất mình. Bực nhất là tuyến lệ lại đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát.
Nước mắt ra ướt một góc gối, tôi cảm giác được thứ chất lỏng âm ấm ấy và thảng thốt đi ra khỏi giấc mơ, một giấc mơ nặng nề làm cho tôi rã rời. Tôi nằm bất động trên giường, mở to mắt nhìn lên trần nhà. Không có hắn nào ở đây cả, chỉ là tôi, mình tôi đang chuẩn bị đón giao thừa lần thứ năm mươi của đời mình trong căn nhà rộng rênh này. Chiều nay, tôi đã leo lên mấy tấm đan quét mạng nhện, đã lau cửa kiếng, đã dọn bàn thờ. Tắm rửa xong, tôi đốt ba cây hương cắm lên bàn thờ. Tôi nằm chờ giao thừa và đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Giấc ngủ mộng mị ấy, cơn chiêm bao mộng mị ấy giờ đây vẫn còn làm tôi bàng hoàng, giờ đây vẫn còn trĩu nặng ngực trái tôi. Tôi uể oải bỏ một chân xuống rồi một chân nữa từ từ đứng lên đi về phía bồn rửa mặt.
Giao thừa đã qua từ lâu, hình như có tiếng gà gáy eo óc văng vẳng đâu đó. Suốt mấy giờ chuyển tiếp của đất trời từ năm cũ sang năm mới, tôi đã bị thâu tóm vào quá khứ, vào ký ức, vào nỗi ân hận riêng mình. Giao thừa năm nay lại lần nữa đã ngoảnh mặt với tôi.
Nước mắt bốc hơi thành sương tím
Trốn an bình trên lối trắng mênh mông
Tôi đã làm gì cuộc đời tôi thế này? Tôi đã làm gì với những cái Tết của tôi thế này? “Bách niên nhân sinh nhất giác mộng”, ai viết như thế nhỉ, sao đúng quá, sao thần quá!
*
Lại một cái Tết nữa. Tôi tưởng mình đã ngộ ra, đã an nhiên, đã buông bỏ. Tôi đã gom hết thời gian đi qua đổ vào một cuộc, tưởng lắng xuống đáy nước rồi. Công việc của tôi ở tòa soạn báo đã cuốn tôi đi, đúng hơn là dùng con người khác của tôi để che lấp con người này, đúng hơn là hai mắt một tròn một dẹt, nhìn nửa bên này khác nửa bên kia. Đúng hơn là trách nhiệm đã lùa tôi đi trên cánh đồng cuộc đời ba trăm sáu lăm ngày qua. Rồi Tết lại đến. Nguồn suối từ đâu lại hiện ra. Hắn bước ra khỏi tôi và nhắc lại chuyện cũ giữa hoàng hôn tịch mịch ba mươi tháng chạp. Hắn nhắc nhở tôi dòng âm thanh trong nội tâm trước khi bóp xiết trái tim tôi:
…Tết năm đó, tôi không về, lần đầu tiên tôi không có mặt ở nhà mình trong đêm ba mươi, trong đêm giao thừa, bên bàn thờ cha tôi và ngồi bên cạnh má tôi. Dải đất miền Trung xa dằng dặc khi tôi đã tự hứa với lòng mình, chưa thành người thì chưa quay về. Tôi hứa và làm thật. Cơn điên cuồng danh vọng, tiền bạc đã ném tôi vào cơn lốc xoáy không lối ra. Chuyện. Bản lĩnh của một gã quê mùa bị phơi gió trước Sài thành người tuôn như nước, lời năm bảy loại lời, hứa trăm ngàn kiểu hứa. Lên bờ xuống ruộng chỉ là bầm dập ở quê, ở phố phải nói là te tua nhục nhã chất chồng. Giờ thì tôi biết kiếm miếng ăn đã khó, đừng nói tới những điều chỉ có trong sách vở, trong những giấc mơ. Tôi đã làm rơi mất giấc mơ của mình ngay từ những ngày đầu đặt chân đến phố xá. Nơi đây có tất cả từ cây kim sợi chỉ đến con voi trừ vẻ đẹp diệu kỳ của giấc mơ. Nơi đây có một thứ ánh sáng làm cho tất cả đều được phơi bày trần trụi, sự phân đẳng nghiệt ngã, sự chia chác miếng ăn nghiệt ngã, buồn vui còn giả được thì có gì mà không. Tôi đã nhanh chóng học được nhiều mánh lới. Tôi đã nhận hàng, tuồn hàng ra bên ngoài bán lấy lời của thời bao cấp. Tôi đã tham gia chia chác trong những phi vụ khó nói được thành lời…
Tết năm đó, tôi không về, cũng không sao nhắn tin về cho má. Trong những lúc một mình ngồi lặng yên giữa hai phi vụ ồn ào, tôi hình dung má đang đợi tôi. Những ngày này má sẽ không dám đi đâu ra khỏi nhà, sợ tôi về thấy nhà trống quá lại buồn. Tôi hình dung ra cái cảnh má ngồi dán mắt ra cửa mà nhoi nhói đau trong ngực. Ba tôi chết khi tôi còn đỏ hỏn trên tay má. Má gánh tôi một đầu thúng, đầu kia là cái túi quần áo và một cục đá cho cân. Má chạy qua làn đạn. Má chạy qua đêm lửa cháy. Má chạy, hai ngón chân cái bấm xuống đường đất sét trơn nhầy. Má chạy, bất chấp cơn sợ hãi tột cùng để tôi được sống. Khi về ấp chiến lược Văn Mỹ, má đi cấy thuê, nhổ cỏ mướn nuôi tôi. Khi tôi lớn lên, đi học, rồi đi học xa, luôn ám vào mắt tôi là hai ngón chân cái nhuốm phèn vàng nâu của má. Tôi tự hứa với lòng sẽ để trọn một ngày ngồi bên má, sẽ cẩn thận, chi li cạy cho sạch hai vết phèn kia. Đơn giản vậy thôi mà lần lữa mãi tôi vẫn chưa thực hiện được.
Tết năm đó, tôi không về, chắc má tôi không có Tết.
Đến gần cuối năm sau thì được tin má mất. Người ta cũng không liên lạc được với tôi trong ngày đưa má về đất, trong ngày má vĩnh viễn đi xa. Má ơi! Tôi gục ngã thực sự. Tôi tê điếng thực sự. Tôi không còn là mình nữa trên trần gian này. Nỗi buồn hiu hắt vì đợi con đã giết chết má chứ không phải căn bệnh hiểm nghèo như người ta đưa tin. Tôi biết rõ điều đó hơn ai hết. Tôi quay về chịu tang như một cái xác không hồn. Tôi quay về chịu tang khi chưa kịp thành người như lời tự hứa thì đã vĩnh viễn không trọn vẹn được là người nữa rồi. Tôi biết má không muốn bất cứ điều gì phương hại đến tôi. Tôi biết má thương tôi hơn cả bản thân mình. Nhưng tôi đã không còn là tôi được nữa sau sự ra đi đột ngột của má. Má tôi đã mang hai vết phèn ấy qua bên kia núi để lại bên này lời hứa không bao giờ thực hiện được của tôi.
*
Hắn đã bắt đầu xuất hiện ngay sau lần tôi về ngồi gục bên mộ má. Hắn bước ra từ tôi. Hắn bước ra từ đôi mắt đã dại đi của tôi, câu đầu tiên thay cho lời chào hỏi, hắn nói: “Tâm bệnh. Cơ thể và tâm hồn của mày sử dụng một ngôn ngữ của những trải nghiệm tức thì nếu mày không biết điều đó thì sự sống của mày sẽ trở nên mong manh lắm”. Hắn nói hay vậy làm cho tôi cảm động, tôi tưởng có người thương mình, quan tâm đến mình. Không ngờ càng lúc hắn càng đào sâu vào nỗi đau của tôi. Hắn buộc tôi phải đối diện, phải thẳng thắn tự nhận những điều mình đã gây ra cho chính cuộc đời mình.
Cứ mỗi lần Tết đến là hắn lại xuất hiện đột ngột ngay trước mặt tôi và bắt đầu hoạnh họe. Tôi đã bảo với hắn không biết bao nhiều lần tôi không biết Tết là sum họp hay khước từ. Tôi cũng không có ý niệm gì về trật tự hay không trật tự. Cho dù tôi có già đầu mấy đi nữa cũng không sao trả lời được những câu hỏi cao siêu của hắn. Những câu hỏi chẳng qua là hắn gây nhiễu mà thôi. Hắn muốn hành hạ tôi cho đến chết. Tôi càng vùng vẫy, càng xua đuổi hắn càng thường xuyên xuất hiện.
Và sau một cơn suy sụp rất nặng, tôi với hắn đã cùng chọn giải pháp thiền định. Tôi ray rứt biết đến bao giờ nữa. Tôi đã đánh mất hiện tại của tôi trong mấy chục cái Tết rồi. Tôi cũng không biết bằng cách nào để tâm hồn mình được an yên trở lại. Chính hắn. Lạ lùng là cũng chính hắn đã đưa ra giải pháp tu tập thiền định cho tôi. Mỗi năm sau này, tôi cùng hắn lên núi trong những ngày giáp Tết. Cho đến một ngày hắn đã biến mất, biến hẳn khỏi cuộc đời tôi. Và tôi đã nối kết được với má bằng sợi dây tình thương dịu vợi mà cũng đầy suy niệm.
Tết năm nay, như một điều vi diệu, tôi đã có Tết. Cảm giác đã sống lại.
Sáng mùng một năm ấy, một đám mây trắng đã trôi về phía tôi khi ly cà phê trên núi cao chưa cạn, khi cuộc suy ngẫm về giấc mơ không vui đêm qua mới vừa khởi sự trở lại. Tôi bàng hoàng thấy một vòng vô nghĩa khi tự hành hạ mình. Quá khứ thì đã xa rồi. Nước đã đổ xuống đất rồi hốt lại sao được nữa. Con côn trùng tôi nhỏ bé lây lất lóc lăn chợt hiểu ra bàng bạc đám mây, chợt hiểu ra nổi chìm, tan biến, chợt hiểu ra bồng bềnh phận người trong tiết điệu trần gian. Vậy đó mà ly cà phê đắng sáng nay thật ngon, thật lung, thật lạ, thật trần trụi cuộc đời mà cũng thật phiêu bay, vị đắng có lẽ là tuyệt đỉnh về vị mà con người nhận biết được. Hai tay thọc túi quần, tôi đi ngược xuống từng cấp đá của quán. Sáng mồng một quán vắng người, tôi tha hồ để những phôi dựng tương lai nhẹ nhàng của mình lên tiếng trong óc não, trong tâm can, tôi mỉm cười đìu hiu đưa ánh mắt xuyên qua vòm lá xanh.
Nhớ lại đêm giao thừa vừa qua, trong tôi đã có những chuyển biến, cảm giác về lửa, bắt đầu từ ngọn lửa rất nhỏ trong tâm trí tôi, rồi nhịp tim của tôi làm nóng lên, ngọn lửa lớn dần, tôi đang cảm giác da thịt mình hồng hào trở lại. Cơn lạnh lẽo đã biến mất từ lúc nào. Và bấy giờ cảm giác về đất có được từ xương tôi đang trào dâng một thứ sinh lực nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, khung xương tôi căng rộng ra. Hít một hơi thật sâu, tôi nhắm mắt lim dim, tận hưởng nguồn năng lượng Tết nhứt thực sự này từ cơ thể mình, từ tâm hồn mình. Tôi tận dụng khả năng bẩm sinh mà không bị chi phối bởi buồn giận hay mang nặng quá khứ ray rứt của mình nữa để ngắm một bông mai đang rung rung nở. Một chấm vàng đã hé, đang lớn dần thành một đóa mai hàm tiếu tinh khôi. Không dám quay mặt đi dù là một khắc, tôi đang tận hưởng khoảnh khắc lạ lùng tuyệt đẹp của tạo hóa mà lần đầu tiên sau mấy mươi năm mình cảm nhận được. Đã có gió. Đã có khí thở. Đã có sắc vàng. Tôi rạo rực vui trong lòng. Tôi biết bây giờ thì Tết đã đến thực sự với tôi. Tết là nguồn kết hợp thiết thân xa thẳm của tôi với má, là sự an bình chuyển giao của trời đất quanh tôi.
Tết là thế đó!
Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp