(Thuỷ sản Việt Nam) – Để đạt được mục tiêu cá tra Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ trong năm 2012, người nuôi và doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều thách thức. Ý kiến chia sẻ của một số lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và người nuôi cá tra sẽ giúp chúng ta nhìn rõ phần nào những khó khăn đó.
Ông Nguyễn Huy Điền – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Cần kiểm soát chất lượng đầu vào
2012 được dự báo là năm ngành công nghiệp cá tra Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, đó là con giống. Hiện nay, chất lượng con giống đang có nhiều vấn đề, chất lượng giảm sút và khan hiếm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hao hụt trong tất cả các giai đoạn nuôi còn lớn. Mặt khác, hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi cả người nuôi và các doanh nghiệp chế biến đều đang gặp khó khăn lớn về vốn. Hơn nữa, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối diện với cạnh tranh cả lành mạnh và không lành mạnh ở hầu hết các thị trường.
Chi phí đầu vào tăng cao, người nuôi cá tra đang gặp khó khăn Ảnh: Duy Khương
Để đảm bảo cho con cá tra phát triển bền vững, ngành cần phải làm rất nhiều việc, trong đó phải thực hiện đồng bộ cả bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất là phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… đảm bảo chất lượng cao và bán đúng giá. Thứ hai là về vốn, ngân hàng cần phải tập hợp nhu cầu của người nuôi và cả doanh nghiệp chế biến để có được giải pháp hoàn chỉnh. Thứ ba là phải thiết lập hệ thống quản lý theo chuỗi từ con giống, nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu… Về thị trường, chúng ta cần phải bảo vệ các thị trường đang có, đồng thời tăng cường phát triển, mở rộng thị trường mới, cần phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương để đảm bảo các yếu tố này. Và cuối cùng là phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt là phải sớm ban hành các thông tư hướng dẫn địa phương trong việc phát triển cá tra.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP: Liên kết là cần thiết
Hiện nay, trên 70% sản lượng cá tra nuôi là do doanh nghiệp tự nuôi. Nếu doanh nghiệp nuôi thì giá thành giảm hơn so với nông dân tự phát nuôi. Do đó, để thành công trong nghề nuôi cá tra thì việc cần phải liên kết với nhau, từ con giống, vùng nuôi đến xuất khẩu là cần thiết. Có như thế mới giữ vững được con cá tra trên thương trường quốc tế. Vì hiện nay cái khó nhất trong ngành nuôi cá tra là việc đảm bảo chất lượng con giống và giá thức ăn tăng cao, đa phần nguồn nguyên liệu thức ăn cho cá chủ yếu nhập từ nước ngoài về. Việc giá thành của các chi phí đầu vào tăng cao khiến nông dân nuôi cá không đủ sức đứng ra nuôi, đa phần là do doanh nghiệp đảm nhận.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX Châu Phú, An Giang: Không dễ khi vay vốn từ ngân hàng
Ngành nuôi cá tra từ năm 2000 – 2011 luôn gặp nhiều rủi ro. Một vấn đề ngạc nhiên đó chính là trong tháng 10 và 11/2011, giá cá tra đột biến tăng cao, đạt đỉnh 28.000 – 29.000 VNĐ/kg. Nhưng mức giá này không giữ được lâu, chỉ vài ngày sau đó đã rớt xuống 24.000 – 26.000 VNĐ/kg. Điều tồn tại lâu nay cho nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL là gặp khó khi vay vốn ngân hàng. Nếu có, ngân hàng chỉ cho vay 200 triệu đồng/ha. Mức vay này chỉ đủ tiền mua thuốc thú y thủy sản chứ không thể đủ tiền để mua thức ăn cho 1 ha. Trung bình nông dân đầu tư 1 ha nuôi cá tra phải cần hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Ký – Tổng Giám đốc Agifish: Khó khăn mấy cũng cố vượt qua
Khó khăn trước mắt trong năm 2012 là xuất khẩu thủy sản vẫn gặp nhiều thử thách do nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản vẫn chậm, nhiều chính sách trong nước chưa phù hợp, vô hình chung đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản càng phải cố gắng hơn để vượt qua.
Hiện, Agifish đang xây dựng vùng nuôi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Global GAP, đảm bảo tự cung cấp ổn định 70% cá nguyên liệu. Bên cạnh đó cũng liên kết chặt chẽ với gần 20 nhà nuôi trồng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cung cấp trên 30% nguồn nguyên liệu, nhờ đó tránh được tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Đồng thời, Agifish luôn tạo chữ tín, cam kết với người nuôi cá trong việc hỗ trợ vốn sản xuất, thanh toán đúng hạn theo hợp đồng, chia sẻ rủi ro, lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Thu Hồng – Hoàng Vũ