(TSVN) – Cá nước lạnh hiện là một trong những đối tượng nuôi quan trọng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nuôi cá nước lạnh theo hướng công nghiệp, con giống vẫn là “rào cản” lớn.
Các loài cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm… là đối tượng nuôi thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (Caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2004, Viện Nghiên cứu NTTS I hợp tác với Phần Lan đã đưa trứng cá tầm thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tại Tây Nguyên, từ năm 2006 bắt đầu phát triển nuôi cá nước lạnh tại hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh nhất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.
Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; hiện nay, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian 2 năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng là 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2020 trung bình 68,75%/năm.
Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungaria, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.
Thời gian gần đây, việc phát triển mạnh của nghề nuôi cá nước lạnh đã khiến nhu cầu con giống ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2020, nhu cầu khoảng 5 triệu con giống (cá tầm 4 triệu con, cá hồi 1 triệu con); trong nước sản xuất được khoảng 4 triệu con, đáp ứng được 80% nhu cầu. Tuy nhiên, các cơ sở chủ yếu nhập trứng cá đã thụ tinh để ương dưỡng thành cá giống. Lâm Đồng và Lào Cai là hai địa phương cung cấp con giống nhiều nhất; Lâm Đồng sản xuất được 1,3 con/năm, Lào Cai khoảng 2 triệu con/năm.
Hiện tại, có 2 hình thức sản xuất, ương dưỡng con giống. Thứ nhất là nhập trứng cá đã thụ tinh từ các nước về để tiếp tục ấp, sau đó ương lên thành cá hương, cá giống và cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm. Thứ hai là nhập trực tiếp cá hương về để ương lên thành con giống với các kích thước khác nhau để cung cấp cho thị trường. Mô hình nhập khẩu cá hương về ương khá phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Việc các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu. Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2018 kiểm dịch 7.920.000 trứng cá; năm 2019 là 8.331.000 trứng cá; đến tháng 10/2020 là 3.735.000 trứng cá. Trứng cá tầm, cá hồi thụ tinh có nguồn gốc từ các nước Ba Lan, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Nam Phi, Phần Lan và Đức.
Có thể thấy, nhu cầu về con giống hiện nay đang rất lớn, tuy nhiên do điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng nên số lượng cá giống sản xuất ra chưa thể đáp ứng được, chỉ đạt khoảng 70 – 80% tổng lượng giống toàn thị trường. Theo đó, cần đột phá trong việc hoàn thiện công nghệ sản xuất con giống cá nước lạnh để chủ động 100% giống cá trong nước.
>> Để giảm phụ thuộc vào nguồn con giống nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm” triển khai từ năm 2018 – 2019. Qua đó đã khép kín được quy trình sản xuất giống nhân tạo 3 loài cá tầm (cá tầm Nga, cá tầm Siberi và cá tầm Sterlet), bước đầu cho kết quả tốt. |
Phương Ngọc