Thách thức môi trường nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Môi trường nuôi trồng thủy sản đang ngày càng “xuống cấp”. Bằng chứng là việc nhiều vùng trên cả nước vừa qua đã ghi nhận liên tiếp các trường hợp cá nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề. Hầu hết các vụ việc được xác nhận là do ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần nào là do việc chúng ta mới chỉ đặt mục tiêu về số lượng, diện tích, giá trị xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức đến giá trị bền vững, nhất là việc bảo vệ môi trường. 

Thách thức

Về góc độ môi trường, nuôi trồng thủy sản (NTTS) vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Là nạn nhân vì NTTS chịu tác động mạnh từ các hoạt động bên ngoài, từ thiên tai và nhân tai. Đặc biệt là NTTS trong các thủy vực ven bờ và trên vùng nước lợ ven biển – nơi sản xuất ra trên 70% sản lượng tôm nuôi của nước ta; nhưng cũng là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của nhiều ngành và rất dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu. Là thủ phạm vì trong quá trình sản xuất, NTTS đã phá hủy các hệ sinh thái và các giá trị dịch vụ của nó, đã thải ra môi trường xung quanh các chất thải thành phần hữu cơ, phân hủy nhanh, phát tán rộng.

Việc quan trắc môi trường trong NTTS góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất – Ảnh: Phan Thanh Cường

Tổ hợp cả hai nguồn cho thấy môi trường nuôi thủy sản ở nước ta, đặc biệt đối với nuôi tôm nước lợ ven biển đang xuống cấp nghiêm trọng, bị ô nhiễm và suy thoái. Không ít nơi thủy sản chết không rõ nguyên nhân, người nuôi bỏ nghề, gây ra tác động xã hội xấu. Có trường hợp, môi trường nuôi ô nhiễm nhưng chưa tới mức tôm nuôi chết tức thì, dân cứ nuôi và không rõ đầu đuôi, tức là vô tình cho tôm “uống thuốc độc”. Hậu quả là an toàn thực phẩm quốc gia và sức khỏe người dân bị đe dọa, không rõ kẻ nào gây ra, chỉ biết “kêu trời”.

 

Hậu quả

Chúng ta đã biết “Môi trường nào, sinh vật nấy” và mỗi loài nuôi luôn nằm trong một “ngưỡng thích nghi sinh thái” (sinh thái giới hạn) nhất định. Các tác động tự nhiên và do con người làm thay đổi chất lượng môi trường nuôi, kéo theo là thay đổi ngưỡng sinh thái của loài nuôi, khi đó sức chống chịu của loài nuôi sẽ giảm mạnh và môi trường bắt đầu phát huy ảnh hưởng tới vật nuôi cụ thể.

Các ảnh hưởng chủ yếu đến vật nuôi thủy sản thường là: gây chậm lớn, ngạt cục bộ, gây sốc nhiệt, lâm bệnh, phát dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, lan nhiễm chất gây ô nhiễm và lan truyền dịch bệnh qua hệ thống cấp thoát nước và buôn bán giống và thức ăn thủy sản… Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu còn phá hủy cơ sở hạ tầng vùng nuôi.

Như vậy, nhìn từ góc độ môi trường, nuôi thủy sản còn chịu tác động mạnh thời gian tới của biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành cao, một mình nỗ lực của ngành thủy sản và người nuôi là chưa đủ. Vụ Formosa gây tác động nghiêm trọng cho môi trường biển và nghề cá ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua chứng minh điều đó. Cho nên, các giải pháp liên ngành cần ưu tiên triển khai thực hiện là từ quy hoạch, thiết kế vùng nuôi, thủy lợi cho thủy sản, cơ chế giám sát, kiểm soát định kỳ môi trường nuôi, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm môi trường vùng nuôi ở những vùng nuôi tập trung dựa vào cộng đồng…

Trước mắt, cần đánh giá thực trạng chất lượng nước cấp và thoát cho các ngư trại lớn, tăng cường củng cố ao lắng và tăng cường giám sát môi trường nước ao lắng trước khi cấp cho đầm nuôi. Hướng dẫn và thực hiện quy trình giám sát chất lượng môi trường nuôi được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng với các thông số môi trường cơ bản (như mầu nước, mùi nước, vị của nước, đo pH bằng bombe kế, độ muối kinh nghiệm…). Các giám sát của người nuôi phải được ghi theo nhật ký quy định và sẽ là “tai mắt” cảnh báo sớm cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và thủy sản. Việc xã hội hóa và tăng cường trách nhiệm của người nuôi phải tham gia giám sát và tự bảo vệ môi trường đầm nuôi của mình cần được ưu tiên trong thời gian tới. 

 

Vai trò liên ngành

Trước thực tế đó, cơ quan quản lý môi trường và thủy sản chỉ có thể bảo vệ được môi trường nuôi khi người dân vào cuộc, trước hết là người nuôi thủy sản, đồng thời phải huy động trách nhiệm của các doanh nghiệp (không thể để đứng ngoài cuộc như lâu nay). Tất cả các giải pháp trên đòi hỏi cơ quan quản lý môi trường và thủy sản phải phát huy hơn nữa vai trò hoạch định chính sách, thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cho các giải pháp được áp dụng hiệu quả.

Cùng với đó, để có sự phát triển bền vững, trước hết cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nước của chính những người đang trực tiếp nuôi trồng thủy sản. Kết hợp việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, bảo đảm các quy định đó phải cụ thể, rõ ràng thì thực thi mới hiệu quả. Với những tập thể, cá nhân sai phạm, cần xử lý thật nghiêm; cần công khai thông tin về hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng như chất lượng thủy sản để người dân được biết. Thêm nữa, nên nghiên cứu xem xét thay đổi chiến lược phát triển ngành.

>> Nước là môi trường sống của thủy sản. Chất lượng nước sẽ quyết định tỷ lệ sống, sinh trưởng; dịch bệnh và chất lượng thủy sản. Khi ô nhiễm nước xảy ra sẽ ảnh hưởng tới nguồn lợi, khai thác, nuôi trồng cũng như tiêu thụ thủy sản.

GS-TSKH Nguyễn Chu Hồi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!