(TSVN) – Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình cơ bản duy trì ổn định trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Các địa phương đã thả nuôi được 15.041 ha.
Theo kế hoạch năm 2025, toàn tỉnh Thái Bình phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 196.230 tấn. Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình cơ bản duy trì ổn định trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Các địa phương đã thả nuôi thủy sản trên diện tích 15.041 ha. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có một số diện tích nuôi bị phát sinh dịch bệnh, trong đó trên 2 triệu con/104.986 m2 nuôi tôm bị bệnh đốm trắng tại xã Đông Minh (Tiền Hải).
Ngay sau khi nhận được thông tin từ cơ sở, Chi cục Biển và Thủy sản Thái Bình đã triển khai 7 đợt quan trắc môi trường tại vùng nuôi thủy sản; phối hợp với địa phương lấy 3 mẫu tôm nghi mắc bệnh gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm. Trên cơ sở kết quả dương tính với bệnh đốm trắng của 3 mẫu tôm, Chi cục tăng cường giám sát, hướng dẫn các hộ nông dân xử lý các ao nuôi bị dịch bệnh. Chi cục Biển và Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị xuất cấp hỗ trợ tỉnh Thái Bình 10 tấn Chlorine để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm.
Cùng với đó, Chi cục chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác giám sát chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh cho người nuôi, khi phát hiện có thủy sản chết, nghi mắc bệnh phải báo cáo với cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý.
Huyện Tiền Hải cũng đang tích cực chỉ đạo xã Đông Minh tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế, ngăn chặn bệnh đốm trắng trên tôm. Đồng thời chỉ đạo các xã, hợp tác xã có nuôi thủy sản nước lợ trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thường xuyên kiểm tra, giám sát theo dõi diễn biến môi trường, thời tiết và tình trạng sức khỏe tôm nuôi.
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất lợi, dẫn đến các yếu tố môi trường ao nuôi biến động vượt ngưỡng, gây sốc, làm giảm sức đề kháng thủy sản nuôi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để hoàn thành kế hoạch trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương chủ động triển khai kế hoạch nuôi trồng và phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn quản lý. Trong đó, thực hiện tốt công tác quản lý diện tích, số lượng giống thả và đối tượng nuôi thả; chủ động nguồn lực, vật tư, sẵn sàng các phương án xử lý khi có dịch bệnh theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chấp hành các quy định về kiểm dịch, quan trắc môi trường; thông tin các trường hợp thủy sản chết bất thường để khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Nguyễn Hằng