Thái Bình: Hơn 47 ha ao tôm bị bệnh đốm trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau gần một tháng thả giống vụ xuân hè, một số diện tích nuôi tôm tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã xuất hiện tình trạng tôm chết rải rác do bệnh đốm trắng – một trong những bệnh nguy hiểm nhất trên tôm nuôi hiện nay.

Theo thông tin từ địa phương, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận tại ao nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Minh Châu) vào ngày 5/5. Hơn 2 vạn con tôm sú trong diện tích 1.300 m² bị ảnh hưởng, chết lác đác chỉ sau vài ngày phát bệnh. Ngay khi phát hiện bất thường, ông Tiến đã chủ động báo cáo Hợp tác xã và phối hợp với ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xác nhận tôm nhiễm virus đốm trắng.

Đáng lo ngại, đến ngày 11/5, dịch bệnh đã lan rộng đến 83 ao nuôi của 50 hộ, tổng diện tích bị ảnh hưởng lên đến hơn 47 ha, với khoảng 800.000 con tôm. Ông Trương Xuân Hội – Giám đốc HTX SXKD NTTS Hải Châu cho biết HTX đang tích cực hướng dẫn bà con xử lý ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lan rộng.

Các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng như thu gom, tiêu hủy xác tôm chết, xử lý nước ao bằng Chlorine nồng độ 30ppm, tuyệt đối không xả nước ra kênh mương, ngăn chặn lây lan chéo giữa các ao.

Ông Vũ Văn Toán – một hộ nuôi tại thôn Ngải Châu chia sẻ: “Sau khi tôm trong ao có dấu hiệu chết từ ngày 7/5, tôi lập tức thu gom tiêu hủy, dùng gần 10 kg Chlorine để xử lý nước nhằm bảo vệ các ao xung quanh.”

Trước diễn biến phức tạp, chính quyền xã Đông Minh đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp khống chế nguồn bệnh. Ông Đỗ Thành Trung – Phó Trưởng phòng cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo, đồng thời đề xuất cấp bổ sung hóa chất xử lý cho các vùng nuôi bị ảnh hưởng.”

Theo ngành chuyên môn, giai đoạn 25 – 35 ngày tuổi là thời điểm tôm nhạy cảm, dễ phát bệnh nếu môi trường ao không ổn định. Trong bối cảnh thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là rất cao.

Do đó, người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo: Không thả giống mới, không san thưa tôm sang ao khác, không sử dụng chung dụng cụ, giám sát môi trường ao thường xuyên, điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý theo điều kiện thời tiết.

Với hơn 100 ha diện tích nuôi tôm trên địa bàn, xã Đông Minh đang căng mình ứng phó để bảo vệ sản lượng và sinh kế cho hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo các địa phương khác cần theo dõi sát diễn biến, chủ động phòng dịch, tránh kịch bản lan rộng trong thời gian tới.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!