Thái Bình: Nuôi thương phẩm cá song trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cá song chấm nâu là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, lớn nhanh, ít bị bệnh, thích hợp nuôi trong môi trường nước mặn, lợ với nhiều loại hình nuôi trong ao đất, trong lồng bè, từ quy mô nhỏ tới quy mô công nghiệp, giúp cải tạo môi trường và hạn chế mầm bệnh phát sinh, tạo sản phẩm hàng hóa cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tăng thu nhập cho ngư dân.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2010, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình triển khai dự án: Nuôi cá song trong ao. Mô hình được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2010 tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải, với quy mô 9.000m2 thả 9.000 con giống. Cá giống được lấy từ doanh nghiệp Phương Nam (xã Thái Thượng, Thái Thụy), chọn con khỏe mạnh, không mất nhớt, đồng cỡ (khoảng 10cm) và không mang mầm bệnh.

Nuôi cá song mang lại hiệu quả kinh tế cao                 Ảnh: Thanh Nhã

Sau 8 tháng cho ăn bằng thức ăn tươi sống kết hợp với thức ăn công nghiệp, giai đoạn đầu cá đạt trọng lượng bình quân 756,6 gam/con (tốc độ sinh trưởng đạt 90-92gam/tháng), tỷ lệ sống khoảng 67%, tổng sản lượng mô hình đạt 4.697kg (năng suất 5,21 tấn/ha), với giá tại thời điểm kiểm tra là 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì 1ha nuôi cá song lãi khoảng từ 261,7 đến 313,7 triệu đồng.

Qua 8 tháng triển khai mô hình, đã đạt được những kết quả về khả năng thích nghi, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của loài cá này trong điều kiện nuôi trong ao đất ở vùng đầm nước lợ Thái Bình.

Ông Trần Xuân Hữu, xã Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình là một trong những hộ nuôi cá song lâu năm chia sẻ: khâu cải tạo ao nuôi cần phải thực hiện tốt như dọn sạch rong cỏ, vét bùn thối, rắc vôi bột, phơi ao, lọc nước bằng lưới polylen mắt dày; về phòng chữa bệnh cho cá cần phát hiện sớm và đúng bệnh, quan trọng nhất là khâu chăm sóc cá, phải bảo vệ từ khâu cá giống, chống cò ăn cá con, thức ăn cho cá song phải là cá tươi, khi cho ăn phải rải đều trong ao, không rải tập trung tránh cá va chạm gây xây xát, hạn chế bệnh ghẻ…

>> Nuôi cá song tuy đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kinh nghiệm nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Để nghề nuôi cá song phát triển, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý nguồn giống trên thị trường, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhân giống để chủ động nguồn cá giống cung cấp cho người nuôi. Đồng thời, cần có một tổ chức nuôi cá song tự nguyện giữa người nuôi để học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau…

Nguyễn Thị Nguyệt

                (Trung tâm Khảo nghiệm KN-KN Thái Bình)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!