Nhiều năm qua, nhân dân hai huyện ven biển Thái Thuỵ, Tiền Hải (Thái Bình) đã đầu tư vốn, nhân lực để phát triển nuôi ngao vùng bãi triều, sản lượng ngao năm sau đều cao hơn năm trước, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XVI) về phát triển kinh tế biển, việc nuôi trồng thuỷ sản ven biển đã phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, giá trị bình quân tăng 11,3%/năm; trong đó nuôi ngao tăng trưởng khá cao, đạt 26,8%/năm. Từ kết quả nuôi ngao đạt được đã tạo ra hướng phát triển kinh tế quan trọng trong nông nghiệp, thuỷ sản, góp phần nâng cao đời sống nhân dân ven biển.
Song, trên thực tế những năm qua, nuôi ngao vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu là tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể, không tương xứng với tiềm năng; kỹ thuật thâm canh hạn chế; tranh giành diện tích bãi ven triều gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương…
Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế trên ngành nông nghiệp đã xác định nuôi ngao vẫn là thế mạnh để tạo ra sản phẩm hàng hoá cho giá trị kinh tế cao, nhưng phải dựa trên sự phát triển có quy hoạch, đầu tư, quản lý của Nhà nước.
Vùng nuôi ngao xã Đông Minh huyện Tiền Hải. Ảnh: Thành Tâm
Nhiều năm qua, nhân dân hai huyện ven biển Thái Thuỵ, Tiền Hải đã đầu tư vốn, nhân lực để phát triển nuôi ngao vùng bãi triều, sản lượng ngao năm sau đều cao hơn năm trước, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2005 diện tích nuôi ngao mới có 850 ha, năng suất 11,16 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 9.150 tấn, giải quyết việc làm cho 850 lao động; năm 2010 đã tăng lên 1.089 ha, năng suất 27,66 tấn/ha, sản lượng trên 30 nghìn tấn, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động. Với việc tăng nhanh về diện tích, sản lượng ngao như trên, song vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước EU, Trung Quốc…
Thực tế từ các hộ nuôi ngao cho thấy, đây là loài khá dễ nuôi, ít bệnh tật, không tốn thức ăn, thị trường dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao; năm 2010, bình quân 1 ha ngao thương phẩm cho thu nhập 314,74 triệu đồng, ngao giống doanh thu từ 800 – 850 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nuôi ngao thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, như không được quy hoạch tổng thể; phương thức, thời gian cho thuê và mức thu tiền sử dụng đất mặt nước chưa có sự thống nhất. Nhất là cơ sở hạ tầng sản xuất giống thuỷ sản nước lợ chủ yếu do người dân tự bỏ tiền đầu tư xây dựng, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước nên số lượng còn ít, năm 2009 – 2010 ngao giống mới đáp ứng được 5 – 8% nhu cầu. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi ngao chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi ngao nên khi gặp thời tiết bất lợi đã dẫn đến ngao chết hàng loạt, gây tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù sản lượng ngao hàng năm tương đối lớn, nhưng trong tỉnh chưa có cơ sở chế biến, khi xuất khẩu sang các nước EU đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam, hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, Hồng Kông. Theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 12 xã có diện tích bãi triều thuận lợi cho phát triển nuôi ngao, như Nam Thịnh 1.400 ha, Đông Minh 470 ha, Nam Hưng 350 ha (Tiền Hải)…; Thái Thuỵ có xã Thuỵ Hải 1.130 ha, Thuỵ Xuân 1.100 ha, Thuỵ Trường 1.109 ha…; tổng diện tích của hai huyện là gần 7 nghìn ha.
Để khai thác hiệu quả diện tích nuôi ngao trên theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch tổng thể, trên cơ sở phải phù hợp với quy hoạch rừng ngập mặn phòng hộ ven biển và quy hoạch phát triển du lịch biển đã được phê duyệt. Khi quy hoạch chi tiết các vùng nuôi ngao phải theo lô, thửa, có lối đi lại hợp lý, có diện tích khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên và diện tích phát triển giống. Phương án cho thuê đối với diện tích mới quy hoạch thực hiện theo hình thức đấu giá, ưu tiên hộ dân địa phương có vốn, nhân lực và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nuôi ngao. Hạn mức cho thuê không quá 10 ha đối với doanh nghiệp, HTX, không quá 2 ha với các hộ gia đình; thời hạn thuê là 5 năm.
Cùng với việc quy hoạch và các phương án cho thuê bãi triều, các ngành chức năng sẽ tăng cường tập huấn cho hộ dân nắm vững kỹ thuật, hiểu biết về điều kiện tự nhiên, các yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến quá trình nuôi để các hộ dân xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống sao cho phù hợp… Mỗi vây nuôi trung bình từ 1 – 1,5 ha sẽ thuận tiện cho quản lý và chăm sóc, thu hoạch ngao; mật độ chỉ nên thả 350 – 450 con/m2 (cỡ giống 700 – 800 con/kg); thả giống tập trung chủ yếu là mùa thu và mùa xuân, thời gian nuôi từ 12 đến 15 tháng.
Để đáp ứng đủ nhu cầu ngao giống, UBND tỉnh đã đề nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng Trung tâm sản xuất giống ngao tại tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ban hành chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư xây mới các cơ sở sản xuất giống ngao ở các xã Nam Thịnh, Nam Cường (Tiền Hải); Cồn Đen – xã Thái Đô, Thái Thượng (Thái Thuỵ).
Giai đoạn 2011 – 2015, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí cho quy hoạch tổng thể, chi tiết sản xuất ngao, mua và tiếp thu công nghệ sản xuất giống; hỗ trợ xây dựng các trại sản xuất giống, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn nuôi ngao; có năng suất, chất lượng cao, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng cơ sở chế biến, cải tạo kênh mương thuỷ lợi vùng đầm nước lợ chuyển sang nuôi ngao. Tổng nguồn vốn đầu tư ước tính khoảng 1.371 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 35,2 tỷ đồng; vốn hộ dân 334 tỷ đồng; vốn vay các tổ chức tín dụng 1.002 tỷ đồng.
Với các giải pháp trên, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích nuôi ngao thương phẩm đạt 3 nghìn ha, sản lượng 105 nghìn tấn, giá trị 2.100 tỷ đồng, bình quân đạt 700 triệu đồng/ha; diện tích ương ngao giống 750 ha, giá trị sản xuất đạt 1.320 tỷ đồng, bình quân 1.760 triệu đồng/ha; giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nghìn lao động.
Nguyên Bình
Theo Báo Thái Bình