Thái Nguyên: Sáp nhập thủy sản vào thủy lợi, vì sao?

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải gấp rút thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra một quyết định “ngược dòng” chuyển Trạm thủy sản Núi Cốc về thuộc Công ty TNHH 1 TV Khai thác thủy lợi.

Dư luận đang đặt câu hỏi động cơ nào dẫn đến quyết định kì lạ mở đầu cho một thời kì Thủy nông quản lý Thủy sản?

Giao thủy lợi “trông nom” thủy sản

Với trên 4.500 ha mặt nước đang được khai thác để nuôi trồng thủy sản, Thái Nguyên đang phấn đấu đưa giá trị sản lượng thủy sản khai thác đạt 7.015 tấn, mức tăng trưởng thủy sản đạt 12%/năm. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên tăng cường sản xuất con giống, mở các lớp tập huấn cho các hộ về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng con giống, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương cách tổ chức quản lý, sản xuất phù hợp đối với diện tích mặt nước để mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Tỉnh Thái Nguyên đang xúc tiến thành lập thị xã Núi Cốc

Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại thủy sản có giá trị. Điển hình là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất cá chép V1 thay thế giống cá chép địa phương. Sau 2 vụ sản xuất, Trung tâm đã thu được trên 3,6 triệu con cá chép bột và gần 1 triệu con cá giống, cung cấp 880.000 cá giống tốt cho các hộ nuôi cá thương phẩm. Theo đánh giá, đàn cá bố mẹ hậu bị có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện môi trường nước trong các ao nuôi thủy sản của Thái Nguyên. Dự án đã tạo ra nhiều mô hình điểm để các trại sản xuất giống và các hộ sản xuất cá giống khác trong tỉnh tham quan học tập. Từ đó đã nhân rộng ra các huyện Phú Bình, Đại Từ, Phổ Yên, thị xã Sông Công. 

Đến nay, Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên sản xuất trung bình được 130 triệu con cá bột và gần 11 triệu cá giống các loại cùng nhiều dự án khảo nghiệm nuôi trồng thủy sản thành công được triển khai rộng rãi. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, hàng năm Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên mở 40-50 lớp tập huấn cho nông, ngư dân để chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản. Từ đó giúp người nuôi cá nâng cao nhận thức và kiến thức để người dân thay đổi tập quán từ thả cá sang nuôi cá, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích mặt nước. 

Có thể nói, Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên là đơn vị nòng cốt nghiên cứu, thử nghiệm và cung cấp giống cho nhân dân trong vùng, trong những năm qua, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất kinh tế tại địa phương. Vậy nhưng, ngày 16/8/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định chuyển Trạm thủy sản Núi Cốc thuộc Trung tâm Thủy sản về Cty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Quyết định nêu rõ, việc chuyển Trạm thủy sản Núi Cốc sang Cty sẽ được tiến hành theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng. Tức là, cả 4 tổ sản xuất gồm 35 con người, 1 chi bộ Đảng và toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống đầm ao tổng diện tích 64 ha sẽ được chuyển sang cho lãnh đạo Cty Thủy lợi “trông nom”, quản lý.

Theo ông Vũ Đình Thịnh – GĐ Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên thì việc phải “cắt” Trạm thủy sản Núi Cốc ra khỏi đơn vị là điều mà Ban GĐ Trung tâm bất ngờ, hoàn toàn không mong muốn, bởi Trung tâm Thủy sản đang làm chủ đầu tư một dự án cải tạo hồ nuôi ở trạm Núi Cốc trị giá 15 tỉ. Nhưng bất chấp dự án đang được triển khai dở dang, phía Trung tâm không nhận được một lý do nào hợp lí, vẫn buộc phải tiến hành bàn giao, chỉ vì UBND tỉnh đã ra Quyết định? Điểm bất hợp lí hơn là, trong khi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải gấp rút thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra một quyết định “ngược dòng” chuyển 1 Trạm thủy sản về thuộc Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi. Dư luận đang đặt câu hỏi động cơ nào dẫn đến quyết định kì lạ này.

Hé lộ một âm mưu?

Để tìm hiểu “động cơ” dẫn đến việc Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi quan tâm thâu tóm Trạm thủy sản Núi Cốc, phóng viên Báo NNVN đã gặp ông Phí Ngọc Lâm – Chủ tịch HĐQT của Công ty. Ông Lâm cho biết có 3 lý do để ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh xin sáp nhập Trạm thủy sản Núi cốc vào Công ty: Thứ nhất, Trung tâm Thủy sản không có điều kiện để huy động nguồn vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống CBCNV còn Công ty thì có thể huy động vốn, đầu tư và nâng cao mức sống. Thứ hai, Trạm thủy sản đặt tại hồ Núi Cốc gây nguy hiểm cho lòng hồ vì hoạt động sản xuất tạo thành ao, hồ nhỏ nên rất khó kiểm soát lũ. Thứ ba, Trạm thủy sản cho phép người dân vào đánh cá trong đó một số lợi dụng lòng hồ rộng khó kiểm soát đã đánh cá bằng mìn. Vì vậy, để thuận tiện cho việc quản lý hồ Núi Cốc, ông đã đề nghị UBND tỉnh sáp nhập Trạm thủy sản vào Công ty.

Nghe cách lí giải của ông Lâm, ai cũng nhận ra ông có một lối tư duy rất đặc biệt dựa trên nguyên tắc “luôn có lợi về mình” kiểu như: đất nhà ông không xây thì để tôi xây tôi ở… Thậm chí, ông Lâm còn cao hứng cho rằng Kiểm lâm Thái Nguyên nên trao nốt quyền quản lý rừng phòng hộ trong khu vực hồ Núi Cốc cho Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi mới là phương án tối ưu.

Ông Lâm đề nghị dừng cải tạo 7 ao (C8, C9, C15, C16…) thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trạm thủy sản hồ Núi Cốc để Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi sử dụng vào việc chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất nuôi trồng thủy sản sang đất ở tái định cư di dân gần khu sản xuất. Ông Lâm cho rằng do những ao này bám mặt đường nên “nuôi thủy sản khó”, hiện đang có khoảng 16 hộ dân nằm trong khu đất sản xuất của đơn vị cần phải di dời để tiện quản lý. Ông dự kiến sẽ cho lấp khoảng 1 ha diện tích ao bám mặt đường, chuyển đổi mục đích sử dụng. Tới đây, động cơ sáp nhập Trạm thủy sản Núi Cốc vào Cty Khai thác Thủy lợi mới bắt đầu hé lộ.

Thực ra, với nghề thủy nông, ông Lâm đâu có thiết tha gì đến việc nuôi trồng thủy sản, ý tưởng đầu tiên và có lẽ là “duy nhất” mà ông thực sự quan tâm là phải chuyển đổi bằng được 10.000 m2 ao sản xuất thành đất ở. Diện tích đất này, nếu có giao tái định cư cho 16 hộ dân cũng chỉ mất khoảng 1.600 m2, còn lại 8.400 m2 đất ở giao cho ai, bán chác như thế nào sẽ tùy thuộc vào quyền quyết đáp của lãnh đạo đơn vị. Đến lúc ấy, “áo gấm đi đêm”, cái lợi có được từ đầu tư vào “trí tuệ, quan hệ” bao giờ cũng gấp hàng chục, hàng trăm lần sản xuất cá bột, cá thương phẩm để bán.

Thêm một thông tin nữa để khẳng định ông Lâm là người có phép tính kinh tế sâu sắc, đó là tỉnh Thái Nguyên đang xúc tiến việc thành lập thị xã Núi Cốc trong năm 2013. Và diện tích ao bám mặt đường thuộc xã Tân Thái sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ trở thành đất mặt đường phường Tân Thái, trung tâm thị xã Núi Cốc. Ý định chuyển đổi ao sản xuất thành đất ở của lãnh đạo Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên khá rõ ràng nhưng ý định có trở thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Kiên Cường

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!