T4, 19/04/2023 12:25

Tháng 4 đến thăm Chiến khu Rừng Sác – Cần Giờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Cách TP. Vũng Tàu chỉ 30 phút phà biển, Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) là một trong những “địa chỉ đỏ” của chuyến hành trình về nguồn được nhiều người lựa chọn trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Lịch sử hào hùng

Từ bến phà Vũng Tàu – Cần Giờ (phường 5, TP. Vũng Tàu), chúng tôi di chuyển đến huyện Cần Giờ. Nếu như trước đây để đến với Chiến khu Rừng Sác phải mất 2 – 3 giờ chạy xe ô tô thì nay chỉ cần 30 phút ngồi thong dong trên phà ngắm biển là đã đặt chân đến huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Đường đến Chiến khu Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh chỉ tầm 4 km, chạy giữa bạt ngàn mắm, đước, sú, vẹt, dừa nước… có tuổi đời hàng trăm năm. Có lẽ chính sự thuận tiện đó khiến nhiều người dân Bà Rịa – Vũng Tàu chọn Cần Giờ là điểm đến trải nghiệm cuối tuần, sáng đi chiều về. Đặc biệt Chiến khu Rừng Sác là một trong những “địa chỉ đỏ” được nhiều đơn vị chọn đi trong hành trình về nguồn tháng 4.

Tài công Nguyễn Hoàng Phi, nhân viên BQL Rừng ngập mặn Cần Giờ lái ca nô rẽ sóng lao vun vút về phía những cánh rừng ngập mặn.

Theo dòng lịch sử, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự Rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 – Đặc công Rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ.

Những năm chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác là đơn vị hoạt động độc lập. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu của quân đội. Ban chỉ huy và Ban hậu cần Trung đoàn 10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô. Những nhu yếu phẩm như: Gạo, đường, thuốc… đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ. “Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969 – 1971) cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ Rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa.

Rừng Sác Cần Giờ

Chiến khu Rừng Sác – Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: ST

Một trong những trận đánh tàu nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 – 1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8/1966, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông.

Một trận đánh oai hùng khác không thể không nhắc tới là trận đánh kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về”. Chỉ 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí đã vượt sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn khiến kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm.

Với những dấu ấn đó, năm 2004, Chiến khu Rừng Sác – Cần Giờ được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Vùng dự trữ sinh quyển độc đáo

Ngồi trên đầu mũi ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, phóng tầm mắt sang hai bên, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều thân cây rễ chằng chịt, cao vút, tán lá phủ xanh kín mặt sông, rất khó hình dung được rằng khi xưa nơi đây hơn 2.200 ha rừng đã bị hàng ngàn lít chất độc và hàng vạn tấn bom của giặc hủy diệt. Sau khi ca nô dừng lại, chúng tôi di chuyển lên những con đường bằng gỗ như những chiếc cầu nối dài dưới khu rừng được che chắn bởi hàng cây xanh mát. Đặc biệt, trong chiến khu hiện nay vẫn có rất nhiều hoạt động được phục dựng mô phỏng hoạt động chiến đấu, công tác, sinh hoạt của các chiến sĩ Rừng Sác.

Gần 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ một vùng đất nghèo, Cần Giờ đã đổi thay khi được TP. Hồ Chí Minh quy hoạch và phát triển thành khu khu du lịch sinh thái nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ở đây có nhiều hoạt động thú vị như tham quan Đầm Dơi, đi thuyền trên sông, thăm sân chim với rất nhiều loài chim sinh sống, tiếp xúc với đàn khỉ hoang dã, xem cá sấu săn mồi và tìm hiểu về hệ thực vật – động vật nơi đây.

Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền Nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc danh mục Sách đỏ Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là đàn khỉ đuôi dài cùng nhiều loài chim, cò khác nhau. Ngày 21/2/2000, UNESCO đã công nhận chiến khu Rừng Sác là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến nay, Rừng Sác – Cần Giờ đã trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, hiện đơn vị đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng, hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Quang Vũ

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!