(TSVN) – Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 4/2025, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,53 tỷ USD, tăng 23% so với tháng 4/2024.
Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 15,973 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 đạt 21,148 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 4, giá trị xuất khẩu ước đạt 4,53 tỷ USD, tăng 23,0% so với tháng 4/2024. Thặng dư thương mại tháng 4 đạt 944 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2024; Tính chung 4 tháng, thặng dư thương mại đạt 5,175 tỷ USD giảm 4,1% so với cùng kỳ.
Cá tra Việt Nam sẽ rất khó khăn nếu chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ thực thi. Ảnh: Báo Cần Thơ
Về cơ cấu xuất khẩu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 20% và 17% tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng 2025. Trong khi cơ cấu của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN giảm, cơ cấu của thị trường EU và Nhật Bản tăng so với năm 2024.
Về thị trường, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2024, với mức tăng lần lượt là 40,7%, 23,3%, 10,2%, 7,1%, thị trường ASEAN và Trung Quốc ghi nhận mức giảm kim ngạch lần lượt giảm 20,8% và 1,1%.
Riêng mặt hàng thủy sản, 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,085 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng mạnh nhờ nhiều nguyên nhân chính. Trước hết, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ phục hồi rõ rệt, đặc biệt đối với mặt hàng tôm, cùng với đó giá tôm đang hồi phục do cung – cầu toàn cầu tái cân bằng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng tích cực khai thác các thị trường mới nổi, cải thiện logistics và thanh toán song phương, góp phần mở rộng thị phần và tăng giá trị xuất khẩu.
Hiện nay, chính sách thuế quan đối ứng từ Hoa Kỳ đang gây ra nhiều xáo trộn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, việc “dồn hàng” sang thị trường Hoa Kỳ trong hai tháng tới chỉ là giải pháp tạm thời, không bền vững. Các mặt hàng như cá tra và tôm – vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ – sẽ chịu tác động nặng nề do thuế quan làm tăng giá thành sản phẩm, khiến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cân nhắc chuyển sang các nguồn cung thay thế như Ấn Độ hoặc Ecuador.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Hoa Kỳ buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN, có thể sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ.
Bảo Hân