Giảm chi phí nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo khâu tiêu thụ… là những ưu thế mà dự án nuôi cá rô phi VietGAP gắn với thị trường tiêu thụ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đạt được; cùng đó, thay đổi tư duy của người nuôi thủy sản.
Mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP
Địa phương nhân rộng
Năm 2018, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương với tổng quy mô 60 ha. Đáng mừng là không có hộ nào nuôi cá bị dịch bệnh. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt yêu cầu. So với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15 – 20 ngày, hiệu quả kinh tế cao hơn, sản phẩm được các đơn vị cam kết bao tiêu toàn bộ.
Theo thống kê, địa phương có lợi nhuận thấp nhất là Nghệ An cũng đạt 50 – 51 triệu đồng/ha/vụ; Thanh Hóa lợi nhuận cao nhất là 149 triệu đồng/ha/vụ nhờ nuôi xen ghép với tôm thẻ chân trắng. Riêng Hải Phòng và Bắc Giang triển khai năm 2018, lợi nhuận 120 – 131 triệu đồng/ha/vụ nhờ tiết giảm được chi phí và giá bán cao. Tính bình quân, nuôi rô phi VietGAP thu lợi nhuận bình quân trên 80 triệu đồng/ha.
Thực tế cho thấy, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP; đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn. Toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được các đơn vị thu mua ký hợp đồng bao tiêu và cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà máy, siêu thị, công ty có đầu mối xuất khẩu và một số chợ đầu mối trong vùng. Sản phẩm nuôi theo VietGAP được ưu tiên mua trước.
Người nuôi ủng hộ
Ông Nguyễn Tường Hà, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh cho biết, tháng 4/2018, gia đình ông và 2 hộ khác được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh lựa chọn triển khai mô hình trình diễn nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích 3 ha. Dù bị ảnh hưởng của mưa bão nhưng sau hơn 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 0,7 kg/con; tỷ lệ sống 80%, sản lượng ước 50 tấn. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư là 1.417.200.000 đồng, tổng thu 1.653.300.000 đồng, lãi ròng 236.100.000 đồng/3 ha. Ông Hà cho rằng: “Mô hình bước đầu cho thấy thành công về lựa chọn đối tượng nuôi, loại hình nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, người dân được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, làm nền tảng để mở rộng mô hình ra toàn tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Nghiêu, thôn Vân Trụ, xã Hà Vân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông luôn nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau một thời gian nuôi, lợi ích thấy rõ, nhất là hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu ra sản phẩm không phải lo lắng vì đã có doanh nghiệp ký kết bao tiêu.
Thành công của dự án là cơ sở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục xây dựng các dự án về nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm để chuyển giao cho nông dân trong những năm tiếp theo, không chỉ trên đối tượng cá rô phi mà còn các hình thức nuôi khác như cá lồng, cá ruộng để tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
>> Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, cho biết, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mở ra một hướng đi mới cho người nuôi địa phương. Điểm thành công lớn nhất của mô hình là nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, người nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nên khả năng nhân rộng mô hình rất lớn. |