Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá nục khô cho thấy có chứa chất Trichlorfon, chất dùng diệt nhiều loại côn trùng như ruồi, muỗi…
Ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: Trong các mẫu hải sản chế biến phơi khô gửi đi kiểm tra các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh cấm, đã phát hiện mỗi kg cá hoặc mực khô thì có 1,26 đến 1.11 mg chất lưu huỳnh bảo quản; 1 mẫu cá nục hấp phơi khô có dư lượng Trichlorfon (là một hóa chất có vị độc, khả năng thấm sâu. Loại hóa chất này diệt được nhiều loại côn trùng, thường được dùng trong y tế để trừ ruồi, muỗi).
Việc phát hiện nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản dùng hoá chất độc hại khiến người tiêu dùng lo lắng – Ảnh: Dân trí
Hiện, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý hành chính cơ sở sản xuất, niêm phong và tịch thu tất cả các sản phẩm có chứa chất cấm. Ông Nguyễn Xuân Đồng cho biết: Người dân họ vẫn chưa hiểu hết được tác hại khi sử dụng các hóa chất này. Lâu nay truyền thống của bà con nông dân vẫn làm sơ chế, chế biến theo dạng truyền thống nên vẫn còn chủ quan trong việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường các biện pháp trong đó tăng cường công tác tập huấn các hộ và người lao động trực tiếp tham trong quá trình sơ chế, chế biến; tăng cường đưa các văn bản pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và tuyên truyền luật an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã gửi 8 mẫu hải sản khô chế biến để phân tích, kết quả không phát hiện các chất độc hại như: Bifenthrin, Chloramphenicol, Trichlorfon. Chỉ có mẫu cá ngừ tươi có chứa hóa chất Histamine với hàm lượng mỗi kg là 1,02g (chất có thể gây ngứa, tiêu chảy); hóa chất lưu huỳnh có trong một mẫu cá nục khô hấp là 1,26mg/kg và trong mẫu mực khô là 320mg/kg…