Là địa phương có tới 102 km bờ biển nên tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển. Để đảm bảo vừa vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt thủy, hải sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng dân quân tự vệ biển, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn cho các trung đội dân quân biển.
Hiện nay toàn tỉnh có 5 trung đội dân quân tự vệ biển với 140 thành viên, tuyển chọn 30 tàu cá với 300 ngư dân biên chế trên các tàu có công suất từ 360 đến 450CV. Năm 2020, UBND tỉnh đã mua sắm 25 máy liên lạc tầm xa lắp đặt tại ban chỉ huy quân sự (CHQS) các huyện, thị xã, thành phố ven biển và trên các tàu của 5 trung đội dân quân tự vệ biển, 115 bộ đàm cầm tay phục vụ dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc trang bị đầy đủ các thiết bị, công cụ hỗ trợ, hệ thống thông tin liên lạc trên biển, hàng năm, bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả”, công tác huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ biển đã được tổ chức một cách bài bản, chất lượng. Nội dung giáo dục chính trị tập trung nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tình hình an ninh tuyến biển; các văn bản pháp luật về biển. Huấn luyện quân sự tập trung vào các nội dung: phòng chống cháy, chống chìm, lai kéo tàu thuyền trên biển, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trên biển, vệ tinh định vị; quan sát, phát hiện tàu lạ và chế độ báo cáo, huấn luyện phòng chống bão, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển… Qua kiểm tra đánh giá, chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân tự vệ biển đã thường xuyên được nâng cao; 100% cơ sở dân quân tự vệ biển được tổ chức huấn luyện, quân số tham gia đạt trên 95%; kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, trong đó 75% khá, giỏi trở lên, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Quảng Nham (Quảng Xương) tổ chức diễn tập.
Thượng tá Nguyễn Văn Thi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Sầm Sơn cho biết: “Đặc thù lực lượng dân quân tự vệ biển phần lớn là ngư dân, ngư trường hoạt động rộng, phân tán, ít có thời gian tập trung. Do vậy, hàng năm, Ban CHQS thành phố xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập sát thực tế, địa bàn. Cụ thể đối với lực lượng đánh bắt xa bờ, sau khi kết thúc các đợt khai thác thủy sản, Ban CHQS thành phố tổ chức huấn luyện theo đợt và chia theo địa bàn. Với những lực lượng hoạt động ổn định trong các doanh nghiệp, khai thác dịch vụ vận tải biển, đơn vị tổ chức huấn luyện luân phiên theo tỷ lệ quân số. Đội dân quân tự vệ biển của thành phố được tổ chức huấn luyện chặt chẽ, khoa học, sát thực tế. 100% chiến sĩ dân quân tự vệ biển được huấn luyện đúng, đủ nội dung, thời gian theo quy định, trong đó chú trọng bồi dưỡng phương pháp tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, truyền tin theo phân cấp bằng máy Icom, cách xử trí các tình huống gặp nạn trên biển. Đồng thời, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tình huống giả định, qua đó góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu phòng thủ trong các tình huống đặt ra”.
Để nâng cao chất lượng và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ biển, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác huấn luyện. Cùng với hoạt động huấn luyện chiến đấu bảo vệ vùng biển, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, lực lượng dân quân tự vệ biển còn thường xuyên phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra ven bờ và trên biển, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển được các đơn vị chú trọng tổ chức luyện tập, huấn luyện nghiêm túc, sát những tình huống xảy ra, đồng thời nắm chắc tình hình trên biển, phối hợp quản lý chặt chẽ mọi tình huống theo chức trách, nhiệm vụ được giao… Không chỉ bám biển khai thác hải sản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, dân quân tự vệ biển còn là lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự trên biển, đồng thời luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ gặp tình huống bất trắc trên biển.
Với vai trò quan trọng trong mọi hoạt động trên biển, lực lượng dân quân tự vệ biển đang nỗ lực tạo môi trường lao động trên biển an toàn, lành mạnh, đồng thời là “cánh tay nối dài” bảo vệ chủ quyền biển, đảo và là nhịp cầu nối quan trọng từ biển tới đất liền. Được biết, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ biển; phát huy tốt vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong phát triển ngành nghề biển cũng như tham gia tuần tra, cảnh giới, phát hiện các tàu, thuyền lạ xâm nhập trái phép.
Bài và ảnh: L.H
Nguồn: Báo Thanh Hóa