Chúng tôi đến bãi biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) một ngày đầu hè. Khác lần trước, lần này tuyến quốc lộ 57, con đường độc đạo về vùng biển huyền thoại những chuyến tàu không số năm xưa đã được cải tạo, nâng cấp, dễ đi hơn nhiều.
Thêm một vùng “đất mũi”
Hoàng hôn về trên biển, bắt đầu bằng những quầng sáng sẫm màu in bóng những chiếc thuyền câu mỏng manh giữa bập bềnh sóng vỗ. Trong chiếc chòi được dựng khá kiên cố lợp lá dừa nước nằm dưới những hàng bần, lão nông Ba Lộc cười bảo: “Mình năm nay đã hơn 70 tuổi, gắn bó với vùng biển Thạnh Phong này qua bao thăng trầm dông gió rồi. Từ lúc những chuyến tàu không số chở đầy vũ khí của quân đội Việt Minh cập bến phía trong Cồn Bửng, rồi đến những trận đánh ác liệt mà kẻ thù phải bỏ chạy, vì chúng không hiểu súng đạn ở đâu mà nhiều thế. Hồi đó, khu Cồn Bửng này hoang vu, um tùm và còn là một vùng bán ngập. Kho súng đạn của quân ta cũng được giấu dưới những cánh rừng này, sát mé nước biển, kẻ thù không tìm ra được. Trên nền kho súng đạn ấy, sau ngày giải phóng, chúng ta đã xây dựng khu di tích Cánh Buồm với biểu tượng “cánh buồm” của những con tàu không số bất hủ mà bây giờ, xác của nó do chúng ta tự đánh đắm đã nằm đâu đó dưới đáy biển, hay chính trong lòng cát này cũng nên.
Những cư dân vùng quê mở cõi
Nghe hỏi về cuộc sống người đàn ông cô độc giữa hoang vắng những bãi cát dài, những dây muống biển mọc lan man nở hoa tím biếc, ông chỉ cười, nhìn về phía biển, bảo: “Tôi sinh ra ở biển nên chẳng bao giờ xa biển. Nhiều lúc cũng thử lên bờ sinh sống, nhưng không quên được vị mặn mòi của muối, những con sóng chênh chao của biển. Thế rồi tôi lại lần ra đây, chứ ở trong kia vợ con tôi đều có nhà có cửa”. Và điều kỳ diệu nhất mà ông Ba Lộc kể cho chúng tôi nghe, là chuyện vùng đất Thạnh Phong này tự nhiên “đi” ra phía biển. Tương tự đất mũi Cà Mau, nơi này cũng tiến về phía biển bởi sự bồi đắp không ngừng nghỉ của những cửa sông, rạch ven bờ mà chủ yếu do hai con sông Cổ Chiên, Hàm Luông tạo nên.
Sở Tài nguyên & Môi trường Bến Tre cho biết, mỗi năm vùng Thạnh Phú (gồm cả Thạnh Phong) lại tiến về phía biển thêm 100 mét, với diện tích hơn 3km2; 30 năm lại đây, tổng diện tích đất bãi bồi ven biển tỉnh Bến Tre đã tăng gần 150km2, rộng gấp 2 lần thành phố Bến Tre, trong đó vùng biển Thạnh Phú này chiếm hơn một nửa. Có lẽ chỉ vài chục năm nữa, với lượng phù sa dồi dào từ những cửa sông này, đất mũi Thạnh Phú sẽ mở mang cho Tổ quốc thêm một vài thành phố như Bến Tre.
Chuyện người đi mở cõi
Theo ông Ngô Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, ở vùng đất mũi Cà Mau, vai trò tiên phong trong việc lấn biển, ngoài phù sa chính là những cây đước, cây bần, cây trang, với một “công thức”: Khi phù sa “ăn” đến đâu, những cây đước, cây bần mọc lan tới đó, rồi lớn dần lên, giúp phù sa mãi mãi nằm lại ven cửa biển. Sau đó mới đến con người. Còn ở bãi biển Thạnh Phong này thì khác – Không phải cây đước, cây bần mà chính con nghêu mới là… “người đi mở cõi”.
Ngư dân khai thác nghêu ở bãi biển Thạnh Phong
Thấy chúng tôi thoáng ngỡ ngàng, anh Dũng tiếp lời: “Ở đây, sau mùa mưa, nghêu giống tràn ngập bãi biển, tặng người dân một nguồn lợi đáng kể. Khi đó, những bãi nghêu này được bao lại, biến chúng từ tự nhiên thành những sản phẩm nghêu nhân tạo bằng các ao, đầm nhỏ. Có thể hiểu đơn giản, chính con nghêu mới là sinh vật đầu tiên “cắm dùi” trên những cồn cát, doi cát mới hình thành của phù sa; sau đó con người mới đến. Vì thế, con nghêu nơi đây thiêng liêng và có ý nghĩa quan trọng chứ không chỉ là vấn đề sinh kế. Ngoài ra, gần 2.000 ha rừng ngập mặn ven bờ biển chạy dọc từ cửa Cổ Chiên đến cửa Hàm Luông nằm trên địa bàn các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ và lắng phù sa, tạo nên những cồn cát mới, sau mỗi đợt triều kiệt nơi đây.
Đời sống người dân khu vực biển Thạnh Phong nói riêng và Thạnh Phú còn khá nghèo. Nông dân vẫn chủ yếu dựa vào nghề đi biển và trồng cây ăn trái. Trong năm, chỉ có khoảng thời gian này (tháng 5) kéo dài tới tháng 8, người dân có thêm sinh kế khác: khai thác nghêu. Từ lâu, nghêu Thạnh Phong đã nổi tiếng cả nước bởi sản lượng hàng ngàn tấn/năm, với những bãi nghêu nằm san sát, thuận tiện khai thác, mang lại nguồn thu cho hàng ngàn hộ dân.
Đêm ngủ ở vùng đất mũi, trong căn chòi nhỏ của ông Ba lộc, quả là một cảm giác thiêng liêng và khác lạ. Như lần về đất mũi “thật” của vùng Cà Mau, nằm trên chiếc ghe nhỏ của anh bạn mới quen người địa phương, ven con sông Trẹm mênh mang con nước ròng, tôi không giấu nổi cảm giác chênh chao. Chênh chao vì đây là mũi tàu Tổ quốc, hôm nay nằm đây; lần sau về lại, có thể bờ cõi Tổ quốc đã ở ngoài xa kia, phía biển Đông mênh mông sóng vỗ.
Đêm trên bãi biển Thạnh Phong, ngoài tiếng sóng dập dồn ngoài xa, ông lão người địa phương cũng kể với tôi rằng, không phải tự dưng mà đất mũi Thạnh Phong này cứ tiến ra biển mãi như hàng trăm năm qua thế đâu; đó là do ân đức của ông cha ta, những người đầu tiên đi mở cõi phương Nam để lại.
>> Tuyến đường 57 có điểm bắt đầu và kết thúc đều ở một con sông, Cổ Chiên. Tại cột mốc cuối cùng có ghi số 103, ngoài số hiệu cây số chỉ đường, chúng tôi còn thấy ghi một dòng chữ Biển Đông khá lạ. Theo người dân địa phương, đây là cột mốc cuối cùng của tuyến quốc lộ, lại giáp Biển Đông, nên người ta ghi như vậy. |