Thành tựu đổi mới của ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, ngành thủy sản đã có những đổi mới mọi mặt từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu…, trong đó, vai trò của khoa học công nghệ ngày một rõ nét. Thành tựu này sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu của ngành đến năm 2020 là cơ bản công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao.

Khai thác

Khai thác hải sản ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như đánh giá trữ lượng (khoảng 4,2 triệu tấn), nghiên cứu ứng dụng và cải tiến ngư cụ, quy trình kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến như: lưới chụp mực 4 tăng gông khai thác mực xà ở vùng biển xa bờ miền Trung; lưới kéo đôi tầng đáy khai thác hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ; lưới vây khai thác cá ngừ ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam bộ; mẫu câu vàng cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung; mẫu lưới rê hỗn hợp khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao ở vùng biển xa bờ; mẫu lồng bẫy khai thác ghẹ; quy trình công nghệ khai thác, lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm; ứng dụng máy dò cá ngang, rada trên các tàu khai thác hải sản đã góp phần tăng năng suất khai thác của các đội tàu lên từ 1,5 – 2 lần.

Sử dụng vật liệu mới để cải tiến hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethan (PU) để làm tăng thời gian giữ nhiệt của đá lên 1,3 – 1,5 lần so với sử dụng xốp ghép. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ làm lạnh nước biển, bể ngâm hạ nhiệt, hầm/thùng cách nhiệt, khay chứa đựng, các phương thiện bốc dỡ, vận chuyển góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản, tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng và ATTP tốt hơn cho chế biến xuất khẩu.

 

Chế biến

Chế biến thủy sản hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ATTP đúng quy chuẩn quốc tế, đặc biệt là 3 thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản (chiếm trên 54% thị phần). Các nhà máy sáng tạo nhiều mặt hàng, sản phẩm mới hấp dẫn, có giá trị, đồng thời khai thác các đối tượng thủy sản mới để chế biến. Chế biến thủy sản có xu hướng áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng giá bán các sản phẩm thủy sản; bên cạnh đó, chế biến phụ phẩm đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn và giảm thiểu tác động đến môi trường: nhiều nhà máy nghiên cứu nhập dây chuyền công nghệ đồng bộ chế biến phụ phẩm cá để sản xuất dầu cá và bột cá chất lượng cao.

 

Nuôi trồng

Đổi mới trong sản xuất và chọn tạo giống

Khoa học công nghệ góp phần tích cực từng bước đa dạng hóa các loài nuôi, nâng cao chất lượng giống, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các đối tượng nuôi, từng bước chủ động khép kín vòng đời của một trong các đối tượng chủ lực là tôm sú, TTCT; sản xuất con giống sạch bệnh SPF, chọn giống tôm sú theo hướng tăng trưởng nhanh và thời gian thành thục ngắn hơn. Đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giống cá tra, giống ngao, nhóm cá nước ngọt truyền thống.

Một số đối tượng thủy, hải đặc sản như cá nhụ, rươi, hải sâm, cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá chạch sông, cá anh vũ, cá lăng nha cũng như một số loài cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi, cá trắng châu Âu… đã được cho sinh sản thành công và đã một phần đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.

Lĩnh vực di truyền chọn giống đã đạt được một số thành tựu trong việc nâng cao chất lượng giống theo hướng tăng trưởng, chịu lạnh và chịu mặn của rô phi; sự đa dạng di truyền của quần đàn tôm chân trắng; sự khác biệt về di truyền học giữa một số quần thể cá chim nuôi nước mặn; một số quần thể hàu.

Nuôi cá chim vây vàng bằng công nghệ Na Uy tại Khánh Hòa – Ảnh: CTV

Công nghệ sản xuất thức ăn

Nghiên cứu về dinh dưỡng và chế biến thức ăn là hai lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong việc phát triển hoạt động nuôi đối với việc sinh sản nhân tạo, gia hóa và phát triển những loài nuôi mới. Kỹ nghệ sản xuất thức ăn tự nhiên (artemia, tảo, luân trùng) và thức ăn viên chất lượng cao đã góp phần đáng kể vào những thành công trong sản xuất giống. Công nghệ nuôi thức ăn tươi sống phục vụ sản xuất giống ngao, hàu, cá biển; chế độ dinh dưỡng cho nuôi khép kín vòng đời tôm sú, TTCT phục vụ chọn giống.

Trong nuôi thương phẩm, ngoài thức ăn cho tôm, thức ăn cho cá biển, cho nhiều đối tượng nước ngọt và cá nước lạnh đã từng bước được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, cạnh tranh với thức ăn nhập khẩu.

Phòng ngừa dịch bệnh và quản lý môi trường

Một số kết quả nghiên cứu về thảo dược, vaccine và nhiều quy trình phòng trị bệnh, giám sát môi trường đã từng bước được ứng dụng vào sản xuất đối với các bệnh sán lá gan, bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ, bệnh xuất huyết đối với cá song, cá giò. Bệnh đốm trắng, đầu vàng, vi bào tử trùng… trên tôm nuôi nước lợ đã từng bước được khống chế, giảm thiểu thiệt hại.

Đặc biệt, việc xác định được tác nhân Vibrio parahaemolyticus và nghiên cứu thành công các biện pháp phòng dịch đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) hay trước đây gọi là Hội chứng chết sớm (EMS) đã giúp cho ngành tôm phục hồi nhanh chóng, giảm thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Đối với cá tra, vaccine cho bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri đã được nghiên cứu thành công tuy còn khá đắt và chưa được ứng dụng rộng rãi trong thực tế sản xuất.

Mai Văn Tài – Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!